Thế giới lao dốc, vì sao gạo Việt vẫn tăng giá?

19/10/2024 06:12 GMT+7

Trong khi giá gạo trên thị trường thế giới lao dốc thì đối với gạo VN, nhu cầu và giá vẫn duy trì mức cao. Xu hướng này có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2025 nhờ VN áp dụng chính sách linh hoạt trong xuất và nhập khẩu gạo.

Gạo thơm VN vẫn hút khách

Nửa tháng sau khi Ấn Độ tuyên bố mở kho, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm lao dốc. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), gạo Thái Lan giảm khoảng 60 USD, xuống còn 497 USD/tấn, gạo Pakistan mất khoảng 50 USD còn 481 USD/tấn, gạo VN cũng giảm khoảng 25 USD còn 537 USD/tấn.

Thế giới lao dốc, vì sao gạo Việt vẫn tăng giá?- Ảnh 1.

Thị trường thế giới lao dốc, giá gạo Việt vẫn tăng vì nguồn cung hạn chế

Ảnh: CÔNG HÂN

Tại vựa gạo miền Tây, thời điểm này đang trong giai đoạn "giáp hạt" giữa vụ hè thu và thu đông nên nguồn cung hạn chế. Ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Hiện tại, thị trường gạo thế giới phân cực sâu sắc. Nguyên nhân do Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo trắng non-basmati trở lại khiến giá gạo 5% tấm nhiều nước giảm về dưới mức 500 USD/tấn. Đáng nói, dù chịu tác động chung của thị trường nhưng gạo trắng 5% tấm của VN vẫn giữ được giá trên 530 USD/tấn. Đó là đối với phân khúc gạo thông dụng. Còn phân khúc gạo thơm chất lượng cao thì đến nay VN vẫn thiếu nguồn cung và giá rất tốt.

"Chúng tôi xuất khẩu gạo thơm DT8 cho các khách hàng trong khu vực mức 670 USD/tấn (giá FOB, giao tại cảng TP.HCM). Trong nửa đầu tháng 10, Philippines có chậm lại để quan sát giá cả sau khi Ấn Độ mở kho. Tuy nhiên, ngày 18.10, họ tăng mua trở lại sau khi thấy giá gạo thơm VN không giảm. Đây là giai đoạn thị trường Philippines cũng như nhiều khách hàng truyền thống của VN tích cực mua vào để chuẩn bị cho mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm nên xu hướng giá khó có thể giảm", ông Trọng nhận định.

Một thành viên Ban chấp hành VFA khẳng định với Thanh Niên: Ấn Độ mở kho, Pakistan là nước bị tác động nhiều nhất vì gạo cùng phẩm chất và phân khúc thị trường. Ngược lại, gạo VN thuộc phân khúc khác nên tác động không đáng kể. Hiện tại nhiều doanh nghiệp VN có hợp đồng từ trước với các khách hàng truyền thống trong khu vực nên cũng chịu áp lực phải thu gom cho đủ sản lượng để đáp ứng đơn hàng. Chính vì vậy, giá lúa gạo nội địa chỉ có tăng chứ không giảm. "Doanh nghiệp chúng tôi mua lúa thơm trong dân giá 8.500 - 8.800 đồng/kg, còn lúa thừa để chế biến gạo 5% tấm cũng ở mức 7.600 - 7.700 đồng/kg", vị này dẫn chứng.

Một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines cũng là khách hàng lớn của VN, mới chỉ nhập khoảng 3,3 triệu tấn gạo trong 9 tháng của năm 2024. Trong khi đó, tổng nhu cầu của nước này năm nay lên tới 4,7 triệu tấn gạo. Nghĩa là 3 tháng cuối năm vẫn phải nhập khẩu thêm 1,4 triệu tấn gạo. Số liệu thống kê của Philippines cho thấy lượng gạo nhập khẩu tháng 8 và 9 tăng mạnh. Cụ thể, trong tháng 9, cơ quan chức năng Philippines đã cấp 1.132 giấy phép nhập khẩu gạo với sản lượng lên tới trên 886.000 tấn (so với trung bình nhiều năm mỗi tháng Philippines nhập khẩu 350.000 tấn gạo). Chỉ riêng 3 ngày đầu tháng 10, con số giấy phép nhập khẩu gạo được cấp là 204 và lượng gạo được cấp phép là 163.000 tấn.

Trong khi đó, nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới là Indonesia cũng mới nhập 3,22 triệu tấn so với nhu cầu được dự báo 3,6 triệu tấn. Ngoài ra, các thị trường truyền thống khác vẫn có nhu cầu cao với gạo VN.

Chính sách linh hoạt là lợi thế của gạo Việt

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024 VN sẽ lại một lần nữa phá vỡ các kỷ lục về thương mại gạo khi xuất khẩu đến 8,6 triệu tấn gạo (tăng 500.000 tấn so với năm 2023) và ngược lại nhập khẩu đến 2,9 triệu tấn gạo. VN trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Philippines (dự báo 4,7 triệu tấn) và Indonesia (3,6 triệu tấn).

Thực tế, việc VN nhập khẩu gạo 2 - 3 triệu tấn mỗi năm không phải chuyện lạ mà đã xuất hiện vài năm gần đây. Việc thị trường gạo thế giới phân cực chính là lợi thế lớn đối với gạo Việt khi các doanh nghiệp VN phát triển thương mại gạo.

Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, phân tích: Trong nhiều năm gần đây, VN đã chuyển dần từ sản xuất gạo thông dụng sang các loại gạo thơm chất lượng cao như ĐT, OM, ST vì giá trị kinh tế cao hơn nên được thị trường ưa chuộng. Những sản phẩm này đã chiếm lĩnh phân khúc trung - cao cấp trên thị trường. Riêng tại Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, thì gạo Việt là "vô đối". Chúng ta xuất khẩu hàng giá trị cao và nhập về các sản phẩm gạo thông dụng giá trị thấp phục vụ chế biến và chăn nuôi. Hoạt động này mang lại lợi ích kinh tế và bằng chứng là VN vẫn duy trì xuất siêu gạo với con số ngày càng tăng.

Nguồn gạo nhập khẩu của VN chủ yếu đến từ Campuchia và Ấn Độ. Gạo Ấn Độ thường phù hợp với chế biến sản phẩm sau gạo nhờ có tỷ lệ tinh bột cao, bên cạnh những sản phẩm giá rẻ dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, Campuchia có năng lực sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản chưa tốt khiến chi phí giá thành đội lên cao. Ngoài ra, năng lực của doanh nghiệp nước này cũng chưa tốt, khó đảm nhận các đơn hàng lớn. Vì vậy, việc hợp tác thương mại gạo biên mậu giữa VN và Campuchia là chính sách linh hoạt giúp gạo VN gia tăng lợi thế cạnh tranh về nhiều mặt.

Bà Phan Mai Hương so sánh: Không phải Ấn Độ mà Trung Quốc mới là nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới. Họ cũng là một trong những nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chính phủ nước này áp dụng chính sách gạo linh hoạt vừa nhập vừa xuất cộng với kho dự trữ khổng lồ; nhờ đó khi Ấn Độ cấm xuất khẩu thì Trung Quốc cũng không bị tác động gì mà chỉ cần tung gạo dự trữ ra bình ổn thị trường. Việc VN áp dụng chính sách gạo linh hoạt gần tương tự Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích về thương mại, vị thế của doanh nghiệp cũng như ngành gạo VN và cả an ninh lương thực.

Năm 2025, xuất khẩu gạo của VN có gặp bất lợi ?

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo với sự tham gia xuất khẩu gạo trở lại của Ấn Độ, thương mại gạo toàn cầu sẽ tăng.

Đáng chú ý nhất là Trung Quốc, năm 2022 nước này thu gom đến 11% sản lượng gạo thương mại toàn cầu (tương đương trên 5 triệu tấn). Từ đó đến nay, giá gạo lên cơn sốt và Trung Quốc chỉ nhập khẩu cầm chừng một số mặt hàng gạo đặc sản và gạo nếp. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ quay lại thị trường trong năm 2025 khi giá gạo thế giới giảm. "Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo trong năm 2025", theo USDA.

Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, tiếp tục tăng nhập khẩu thêm 200.000 tấn lên tới 4,9 triệu tấn. Bên cạnh đó, Malaysia cũng sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, tăng 125.000 tấn so với dự báo trước đó.

Đây đều là những khách hàng truyền thống của gạo VN. Tuy nhiên, do sự tham gia trở lại của Ấn Độ nên lượng gạo xuất khẩu của VN dự báo sẽ giảm còn 7,2 triệu tấn.

Nguồn cung gạo nội địa Indonesia tiếp tục giảm

Báo chí Indonesia dẫn nguồn Cơ quan Thống kê trung ương nước này cho biết năm 2024, diện tích thu hoạch lúa ước tính chỉ đạt hơn 10 triệu ha, giảm 17.000 ha so với năm 2023.

Lượng gạo nhập khẩu trong 9 tháng năm 2024 đạt 3,2 triệu tấn, giá trị trên 2 tỉ USD; tăng 81% về lượng và 105% về kim ngạch. Thái Lan là nguồn cung gạo lớn nhất với 1,14 triệu tấn, VN 988.000 tấn, Pakistan 463.000 tấn, Myanmar 407.000 tấn và Ấn Độ 202.000 tấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.