Thế giới nhiều biến động năm 2017

31/12/2017 07:52 GMT+7

2017 là một năm đầy biến động với nhiều sự kiện chính trị, những cuộc khủng hoảng và nguy cơ xung đột trên thế giới.

Trung Quốc trỗi dậy
2017 được cho là năm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa, thỏa thuận thương mại tự do và Thỏa thuận chung Paris. Sau Đại hội 19, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho thời đại mới” vào điều lệ đảng, điều này có nghĩa vị thế của ông được nâng lên ngang hàng với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Mặc dù đối mặt nhiều thách thức trong nước bao gồm định hướng phát triển nền kinh tế, ông Tập được dự đoán tiếp tục đẩy mạnh chính sách ngoại giao, tăng cường sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu trong năm 2018.
“Nước Mỹ trên hết”
Sự kiện Tổng thống Donald Trump (ảnh) nhậm chức vào đầu năm 2017 tạo ra cú sốc khắp thế giới khi ông đẩy mạnh chính sách ngoại giao “nước Mỹ trên hết”, theo Đài ABC. Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu.
Ông Trump yêu cầu các đồng minh và thành viên NATO phải đóng góp nhiều tiền hơn để đảm bảo an ninh. Chính phủ của Tổng thống Trump đồng thời quyết định cắt 285 triệu USD trong phần đóng góp vào ngân sách của LHQ trong năm tài chính 2018 - 2019. Washington có động thái này sau khi LHQ trong tháng 12 bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trong nước, Tổng thống Trump đối mặt nhiều vấn đề gây tranh cãi, nhất là cuộc điều tra chưa có hồi kết về cáo buộc Nga thông đồng với ban vận động tranh cử của ông và can dự vào cuộc bầu cử năm 2016.
Lò lửa Jerusalem
Biểu tình tại Li Băng phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem
Bạo lực cùng hàng loạt cuộc biểu tình bùng nổ ở Trung Đông và khắp thế giới sau khi Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào cuối năm 2017. Quyết định về Jerusalem là một trong những cam kết quan trọng nhất của Tổng thống Trump khi còn tranh cử. Tuy nhiên, nhiều bên cho rằng động thái này phá vỡ tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine, châm ngòi cuộc xung đột mới trong bối cảnh Trung Đông đang chứng kiến hàng loạt khủng hoảng ở Li Băng, Syria, Iraq và Yemen.
IS đại bại
Ảnh: AFP/Reuters
Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dần dần lụi tàn và bị đánh bại tại Iraq và Syria trong năm 2017. Sau nhiều tháng giao tranh ác liệt tại TP.Mosul, cứ điểm cuối cùng của IS ở Iraq, lực lượng Iraq đã giải phóng thành phố này. Cuộc chiến chuyển sang TP.Raqqa (ảnh) nơi bị IS chiếm đóng và tự xưng là “thủ đô” ở Syria. Sau khi bị quét khỏi Raqqa, lực lượng ngày càng teo tóp của IS buộc phải rút về những vùng xa xôi hẻo lánh ở Syria. Dù vậy, IS đã tăng cường chiến dịch tuyên truyền trên mạng, kích động những vụ tấn công khủng bố kiểu “sói đơn độc”, nhất là lái xe tải tông vào đám đông ở Mỹ, châu Âu, khiến nhiều người thiệt mạng.
Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc vào tháng 3 ra phán quyết ủng hộ kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye (ảnh), khiến bà bị phế truất. Sau đó, bà Park đã bị bắt tạm giam và xét xử trong vụ bê bối để cho người bạn thân Choi Soon-sil can dự vào việc điều hành chính phủ và lợi dụng mối quan hệ với tổng thống để trục lợi bất chính. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc một tổng thống dân cử bị phế truất.
Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên
Trong năm 2017, CHDCND Triều Tiên liên tục phóng nhiều loại tên lửa và thử nghiệm bom nhiệt hạch vào tháng 9, bất chấp biện pháp trừng phạt nặng nề của LHQ. Đáng chú ý nhất là vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi tháng 11 có tầm bắn tới Mỹ. Cuộc khẩu chiến giữa Triều Tiên và Mỹ ngày càng gay gắt, dẫn đến nguy cơ chiến tranh có thể bùng nổ. Ngoài ra, quan hệ giữa Malaysia và Triều Tiên đột ngột trở nên căng thẳng do bất đồng về vụ án người đàn ông mang hộ chiếu Triều Tiên tên Kim Chol, được cho là Kim Jong-nam, anh trai của lãnh đạo Kim Jong-un, bị sát hại bằng chất độc tại Malaysia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.