Thế giới oằn mình trước thời tiết cực đoan bất thường

25/07/2024 05:05 GMT+7

Trong khi khu vực Đông Á đang vất vả đối phó với bão lũ, những nơi khác trên thế giới lại hứng chịu cái nóng thiêu đốt.

Mưa bão hoành hành

Hôm qua, cơn bão Gaemi đã quét qua khu vực miền bắc Philippines trước khi đổ bộ đảo Đài Loan và hướng đến Trung Quốc đại lục. Báo Rappler dẫn thông báo của cục khí tượng Philippines dự báo không loại trừ khả năng Gaemi mạnh lên cấp siêu bão trước khi đổ bộ vào Đài Loan. Cơn bão đã gây mưa lớn tại nhiều vùng trên đảo chính Luzon của Philippines, trong đó nhiều tuyến đường thuộc vùng thủ đô Manila bị ngập nặng, không thể di chuyển. Mực nước tại một số con sông dâng cao khiến nhà dân bị ngập đến tầng hai, trường học ở nhiều vùng đóng cửa, theo báo Inquirer. Thống kê cho thấy 12 người thiệt mạng tại nước này do bão.

Mưa lớn do bão Gaemi ở Manila, ít nhất 12 người thiệt mạng

Tại Đài Loan, 21 thành phố và quận huyện thông báo đóng cửa trường học, văn phòng trong ngày 24.7. Hoạt động đường sắt bị ngừng lại từ trưa 24.7 trong khi hàng trăm chuyến bay bị hủy. Hãng CNA dẫn thông báo từ cục khí tượng của hòn đảo cho biết tính đến trưa 24.7, cơn bão có sức gió duy trì ở mức 184 km/giờ và giật đến 227 km/giờ, dự kiến là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào hòn đảo trong 8 năm. Hơn 4.000 người được sơ tán khỏi các vùng núi có nguy cơ sạt lở đất do mưa lớn. Cơ quan Phòng vệ chỉ thị 29.000 thành viên chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. Đến chiều qua, một người thiệt mạng do cây ngã trúng trong khi gần 60 người khác bị thương do ảnh hưởng của bão. Tại Trung Quốc đại lục, Trung tâm khí tượng quốc gia sáng 24.7 phát cảnh báo cam cho bão Gaemi, mức cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo 4 cấp. Trung Quốc đang trải qua mùa hè có thời tiết khắc nghiệt với mưa lớn ở khắp miền đông và miền nam, trong khi miền bắc bị ảnh hưởng bởi những đợt nóng liên tiếp.

Thế giới oằn mình trước thời tiết cực đoan bất thường- Ảnh 1.

Đường phố tại Manila, Philippines bị ngập nặng do ảnh hưởng của bão Gaemi ngày 24.7

AFP

Tại Ethiopia ở châu Phi, mưa lớn cũng đã gây ra 2 thảm họa lở đất từ cuối tuần qua khiến 229 người thiệt mạng và hơn 14.000 người khác bị ảnh hưởng.

Nhiệt độ cao kỷ lục

Trong một diễn biến trái ngược, hàng chục triệu người ở Bờ Tây nước Mỹ đang phải hứng chịu cái nắng như thiêu đốt trong những ngày gần đây. Reuters dẫn thông tin từ Dịch vụ Thời tiết Quốc gia (NWS) dự báo nhiệt độ tại một số nơi ở bang Nevada có thể vượt mức 43 độ C vào buổi trưa trong khi tại bang Montana ở phía bắc có nhiệt độ 41 độ C. Cái nóng cộng với không khí khô và gió đã khiến các đám cháy rừng lan rộng vài ngày qua. Tổng cộng khu vực miền tây Mỹ, có khoảng 69 đám cháy lớn. Tại Canada, các đám cháy rừng ở thị trấn Jasper thuộc tỉnh bang Alberta đã buộc hơn 25.000 người sơ tán. Khói bụi từ các đám cháy đã được thổi sang các vùng miền tây Mỹ khiến chất lượng không khí bị suy giảm nghiêm trọng.

Trong những ngày gần đây, nhiệt độ tại các nước vùng Vịnh vượt mốc 60 độ C, còn tại các vùng ôn đới tại châu Âu vượt mốc 45 độ C. Nhiều thành phố của Nhật Bản, Indonesia và Trung Quốc cũng ghi nhận cái nóng kỷ lục. Cơ quan theo dõi thời tiết Copernicus của Liên minh Châu Âu hôm qua thông báo ngày 22.7 là ngày nóng nhất lịch sử, với nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu là 17,15 độ C, mức cao nhất từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1940. Đó cũng là ngày thứ hai liên tiếp kỷ lục nhiệt độ toàn cầu bị phá vỡ. Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân cho hiện tượng này nhưng họ cũng tỏ ra ngạc nhiên khi kỷ lục mới tiếp tục được thiết lập dù hiện tượng thời tiết khắc nghiệt El Nino đã qua đi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.