Văn phòng Kỹ thuật không gian có người lái Trung Quốc sáng 9.5 thông báo mảnh lớn của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B đã quay trở lại bầu khí quyển vào lúc 10 giờ 24 (9 giờ 24, giờ Việt Nam). Tọa độ cho thấy mảnh vỡ rơi tại vùng biển gần Maldives ở Ấn Độ Dương.
Cơ quan này cho biết thêm rằng hầu hết các bộ phận của tên lửa đã vỡ ra và phị thiêu rụi khi đi vào bầu khí quyển, theo AFP.
Tổ chức Space-Track chuyên sử dụng dữ liệu quân sự Mỹ để theo dõi không gian cũng xác nhận thông tin trên. "Mọi người theo dõi Trường Chinh 5B tái đi vào bầu khí quyển có thể thư giãn. Quả tên lửa đã rơi", Space-Track viết trên Twitter.
Ngày 29.4, Trung Quốc phóng thành công mô đun chính đầu tiên của trạm không gian mới lên quỹ đạo. Kể từ đó, tên lửa đẩy Trường Chinh 5B bắt đầu xoay tít trên quỹ đạo mất kiểm soát quanh địa cầu.
Do tên lửa có chiều dài 30 m, bề ngang 5 m, trọng lượng 21 tấn nên một số phần vẫn còn nguyên sau giai đoạn điđi vào bầu khí quyển và rơi xuống đất.
Dù các nhà quan sát trấn an rằng xác suất phần còn lại của tên lửa rơi xuống biển rất cao, vẫn chưa loại trừ nguy cơ nó sẽ lao xuống khu vực dân cư. Giới chức Trung Quốc trấn an rằng có rất ít nguy cơ mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống khu dân cư.
Trong khi đó, tên lửa trên chỉ là 1 trong 11 vụ phóng mà Trung Quốc cần thực hiện để đưa toàn bộ mô đun của trạm không gian mới lên quỹ đạo, có nghĩa là nguy cơ rác tên lửa Trung Quốc rơi trúng vẫn còn treo lơ lửng trên đầu các công dân địa cầu trong thời gian tới.
Bình luận (0)