Chúng tôi về H.Tiên Phước (Quảng Nam) tìm gặp những người có danh phận trong giới trầm hương thì nhiều người đều giới thiệu một "đại ca" ở xã Tiên Cảnh (H.Tiên Phước). Anh Nguyễn Đình Trực ở H.Tiên Phước chia sẻ: "Viết về trầm hương thì phải lên xã Tiên Cảnh gặp "đại ca" Hoàng Văn Trưởng. Ông này có cuộc đời kỳ lạ lắm".
"ĐẠI CA" CÕNG TRẦM VÀ GÓC TỐI CUỘC ĐỜI
Ngồi đối diện ông Trưởng (58 tuổi), ít ai nghĩ người đàn ông này từng là "đại ca" cõng trầm thuê. Chỉ khi nghe ông Trưởng kể lại quãng đời cõng trầm thuê mới biết ông từng là tay có "máu mặt" trong giới phu trầm. Nhiều phu trầm ở Tiên Phước, Nông Sơn (Quảng Nam) cho biết khi còn khai thác trầm trong những khu rừng nguyên sinh, để vận chuyển hàng vượt qua núi cao, rừng thẳm, lọt qua được "ải" của đồng bào dân tộc thiểu số và các chốt kiểm lâm, thuế vụ, biên phòng, công an thì phải nhờ đến những người như ông Trưởng.
"Tôi cõng trầm thuê từ năm 1987. Suốt quãng thời gian đó, gần như chuyến nào cũng trót lọt", ông Trưởng nhớ lại. Một số người địu trầm ở Tiên Phước cho hay "đại ca" Trưởng thuộc đường rừng như lòng bàn tay, và có "chiêu" đặc biệt để đưa được trầm từ rừng về tới TX.Tam Kỳ (nay là TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), rồi bán cho đầu nậu.
"Dân địu trầm gian khổ lắm. Nhưng khai thác được rồi dễ chi đem trầm về nhà. Lớp thì người đồng bào phát hiện tịch thu. Lớp thì sợ lực lượng chức năng bắt. Bán trầm ngay trong rừng thì giá rất rẻ, rứa nên phải nhờ mấy người có "máu mặt" cõng trầm về tận nơi cho các đầu nậu", ông Võ Linh, phu trầm khét tiếng ở Quảng Nam, nói về giới cõng trầm thuê như ông Trưởng.
Kiếm được một số vốn nhờ cõng trầm thuê và đặc biệt là hiểu biết cách phân loại trầm, ông Trưởng chuyển sang buôn trầm. Đến khi trầm thiên nhiên cạn kiệt, phu trầm bỏ nghề, ông chuyển sang khai thác vàng. Đó là bước ngoặt đẩy ông vào vòng lao lý. Ông Trưởng trải lòng: "Thiên hạ nói "ăn của rừng rưng rưng nước mắt" là có thiệt. Hết trầm trong rừng, dân địu trầm lại nghèo, dân buôn trầm cũng khốn đốn theo. Tui bỏ nghề buôn trầm đi khai thác vàng kiếm sống. Vì dùng trái phép hóa chất xyanua để thu hồi vàng nên tui bị xử án tù".
Lãnh án 24 tháng tù giam nhưng nhờ cải tạo tốt, ông Trưởng được ra tù trước hạn 6 tháng. Trở về nhà với 2 bàn tay trắng và mặc cảm thân phận tù tội, ban đầu ông chỉ muốn giam mình trong nhà. Nhiều đêm mất ngủ, người đàn ông này tìm những mảnh trầm vụn đốt lên để suy ngẫm. Chính lúc đó, hương trầm đã mê hoặc ông một cách lạ lùng. "Mùi hương của trầm tỏa ra trong đêm thanh tịnh thôi thúc tôi phải sống tích cực và làm gì đó vì nó, vì cuộc đời", ông Trưởng bộc bạch.
THÀNH QUẢ TỪ TRONG ĐAU THƯƠNG
Dân gian có câu "Trong đau thương dó biến thành trầm". Theo đó, những cây dó chỉ cho trầm khi bị tác động bởi ngoại cảnh, gây nên những vết thương tích. Bị thương tích, dó mới tiết ra chất nhựa để chữa lành. Thứ nhựa đó chính là trầm. Nghiệm lại cuộc đời của ông Trưởng mới thấy có gì đó tương đồng.
Thời "đại ca" Trưởng mãn hạn tù, quê ông còn nhiều dó tự nhiên mọc trong khu dân cư và đã có nhiều người trồng dó, nhưng hầu như toàn bộ đều chưa có trầm. Ông Trưởng quyết tâm tìm cách tạo trầm cho dó. "Tui nhờ mùi hương trầm trong lúc đốt lên trong căn phòng giữa đêm để suy ngẫm và có chi đó giống thiền định để tìm lối thoát cho chính mình, đồng thời nghĩ cách tạo trầm trên dó", ông Trưởng tâm sự.
Bằng kinh nghiệm những năm theo phu trầm vào rừng, ông Trưởng nhận thấy những cây dó tự nhiên cho trầm đều có lỗ do sâu đục và trong lỗ sâu đục có kiến ở. "Tôi nghĩ kiến vào ở trong những lỗ do sâu đục trên thân cây dó, rồi chúng thải phân và nước tiểu có chất a xít. Chất ni là một thứ men xúc tác tạo ra trầm. Từ đó, tui mày mò nghiên cứu để tạo ra chất tương tự như chất thải của kiến để cấy vào dó", ông Trưởng lý giải.
Tuy nhiên, phải sau nhiều lần thất bại hoặc thành công chưa đáng kể, đến năm 1996, ông Trưởng mới hoàn thiện chế phẩm dùng để cấy vào dó tạo trầm. Lúc này, nhiều chủ vườn dó bầu Tiên Phước nhờ bác nông dân này đến tạo trầm cho vườn của họ. Tiếng lành đồn xa, ông Trưởng được mời đi Bình Phước, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa áp dụng kỹ thuật tạo trầm. Ở các tỉnh xa, ông hợp đồng cấy chế phẩm tạo trầm cho chủ vườn dó và ăn chia 50%.
Tiếng tăm tạo trầm trên dó của ông Trưởng còn vượt ra khỏi biên giới VN. Năm 2014, một tập đoàn kinh doanh trầm hương từ Côn Minh (Trung Quốc) mời ông sang Lào để tạo trầm trên 56.000 cây dó bầu mà họ hợp tác với một người Lào trồng. "Lần đầu tiên tui cấy chất tạo trầm lên 100 cây dó cho tập đoàn này. 6 tháng sau, chết hết 70 cây, tui mới sảng hồn. Nhưng họ nói đây là thử nghiệm nên cứ làm tiếp. Nghe họ nói rứa tui nhẹ cả người", ông Trưởng thật thà chia sẻ.
Trở về VN với tâm trạng trĩu nặng lo âu vì không hiểu sao cấy chế phẩm tạo trầm như ở trong nước mà dó tại Lào lại chết hàng loạt. Suy nghĩ nhiều ngày, rồi ông Trưởng hiểu ra khí hậu ở Lào khá giống miền Nam VN, chỉ có hai mùa mưa nắng. Vì thế, ông điều chế lại chất tạo trầm, đồng thời áp dụng kỹ thuật phù hợp hơn khi khoan để cấy cho cây dó ở Lào. Lần này thì ông thành công hơn cả mong đợi: "Sau khi cấy lần 2 được hơn 6 tháng, thấy dó không chết cây mô là mừng rồi. Cưa thử mấy cây thấy trầm bắt đầu ăn vô giác dó thì tui mừng run luôn. Lúc nớ tui nhảy cà tưng còn mấy ông Trung Quốc gọi tui là chuyên gia tạo trầm", ông Trưởng tâm tình.
Để áp dụng kỹ thuật tạo trầm cho vườn dó hàng chục ngàn cây tại Lào, ông Trưởng đưa 50 công nhân người Việt qua làm, giúp họ có đồng lương ổn định. Tại quê nhà, ông Trưởng trong vai trò là Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước cũng cố gắng khôi phục làng nghề trầm hương bằng nhiều cách khác nhau.
Công ty gia đình của ông còn đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm từ trầm hương, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu. "Đại ca" cõng trầm thuê năm xưa, từng "trải nghiệm cơm tù", năm 2018 được UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", năm 2023 được Bộ Công an vinh danh trong chương trình "Ánh sáng và niềm tin hòa nhập cuộc sống". Ông bạn đồng nghiệp của tôi ở Tiên Phước tỏ ra rất ngưỡng mộ ông Trưởng khi ví von: "Đại ca Trưởng là một tấm gương thơm như trầm hương xứ Tiên này".
Bình luận (0)