Thế giới tranh luận quyền được chết - Kỳ 1: Đòi quyền được chết để… sống lâu hơn

25/04/2015 08:50 GMT+7

(TNO) Với nhiều người ủng hộ, quyền được chết có khi giúp họ sống lâu hơn và chết cho… ra trò.

(TNO) Với nhiều người ủng hộ, quyền được chết có khi giúp họ sống lâu hơn và chết cho… ra trò.
“Anh ấy xứng đáng được chết tử tế hơn”
Mua thuốc an thần quá liều trên mạng để uống là lựa chọn cuối cùng của nhiều người ở những nơi
quyền được chết không được công nhận - Ảnh: Shutterstock
“Người bạn đời của tôi, anh Paul đã kết thúc cuộc sống của mình vào tháng 3.2013, hưởng dương 35 tuổi”, John Grantham, một phụ nữ ở Anh, đã bắt đầu câu chuyện như thế.

Ai có quyền bảo rằng tôi không xứng đáng để chết êm ái? Ai có quyền bảo rằng tôi đáng phải chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần?

Brittany Maynard

Cô kể tiếp: “Paul mắc chứng thần kinh vận động, căn bệnh tới lúc sẽ khiến anh ấy mắc kẹt trong chính cơ thể của mình, vốn sẽ không tự vận hành được nữa, đến thở cũng phải thông qua thiết bị y khoa. Paul dứt khoát không muốn một cuộc sống như thế. Anh ấy mong mỏi được sống thêm một thời gian nữa, chỉ ước sao luật pháp nước Anh cho phép hỗ trợ tự tử. Tiếc rằng thực tế trái ngược lại.
Lúc đầu chúng tôi định chọn Dignitas (cơ sở hỗ trợ tự tử “trứ danh” ở Thụy Sĩ - PV), nhưng anh ấy không muốn phải chết ở nơi đất khách quê người, cũng không muốn tôi phải dính líu đến cái chết của anh ấy. Cuối cùng anh ấy đã lên mạng để mua thuốc từ Trung Quốc, tự uống khi còn có thể làm điều đó. Anh ấy sợ nếu chờ đợi thêm, khi bệnh tiến triển nặng, anh ấy sẽ không thể tự uống thuốc.
Anh ấy xứng đáng được chết tử tế hơn. Nếu luật hỗ trợ tự tử tồn tại, anh ấy đã không phải chết vội vã như thế”.
Có vô số câu chuyện như thế đã xảy ra trên thế giới. Tony Nicklinson – người bị liệt từ cổ trở xuống do đột quỵ - đã tuyệt thực đến chết sau khi thua kiện trong cuộc đấu tranh pháp lý cực kỳ phức tạp, kéo dài và ầm ĩ ở Anh để đòi quyền được hỗ trợ chết hợp pháp. Hay cô gái 29 tuổi bị ung thư não Brittany Maynard ở Mỹ đã từ bang California đến Oregon – một trong 5 bang ở Mỹ cho phép quyền được chết – để “chết êm ái”. Báo USA Today cho biết, trước đó cô được chẩn đoán chỉ còn sống tối đa là 6 tháng.
Đấu tranh rộng khắp
Tất cả những nhân vật kể trên đều đã chết, nhưng cuộc đấu tranh của họ vẫn đang lan rộng khắp nơi. Hàng loạt phong trào đòi quyền được chết đang rầm rộ khắp thế giới trong bối cảnh chỉ mới có 3 nước (Hà Lan, Bỉ và Luxembourg) cùng 5 bang ở Mỹ cho phép quyền được chết; riêng Thụy Sĩ cho phép hỗ trợ tự tử (bác sĩ được kê toa thuốc để chết, người khác được giúp đỡ nhưng người muốn chết phải tự mình uống thuốc.)
Quyền được chết cho bệnh nhân nan y thêm một sự lựa chọn - Ảnh: Shutterstock
Những người ủng hộ quyền được chết muốn luật pháp công nhận quyền này. Từ đó, những ai bệnh nặng, khuyết tật không thể tự mình kết thúc cuộc sống của bản thân có thể được người khác giúp chết một cách hợp pháp. Người ta đấu tranh để đảm bảo vị bác sĩ tiêm thuốc kết thúc sự sống, những người thân hoặc người cung cấp dịch vụ hỗ trợ tự tử không bị truy tố. Hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới, hỗ trợ tự tử là phạm pháp. Chẳng hạn ở Anh, vị bác sĩ tiêm thuốc đồng nghĩa với sát nhân với hình phạt lên đến án chung thân, còn những ai giúp đỡ, khuyến khích người khác tự sát có thể lãnh 14 năm tù.
“Cái chết êm ái” đã tồn tại khắp nơi ?
Theo những người ủng hộ, một khi cuộc sống đã quá đau đớn, chất lượng cuộc sống xuống quá thấp thì con người ta có quyền được chết và chết trong danh dự, có nghĩa được luật pháp công nhận, được hỗ trợ để chết nhẹ nhàng. Chính vì thế, tước đoạt quyền được chết với những người khuyết tật, đau yếu không thể tự mình tự tử là bất bình đẳng.
Một khi quyền được chết được hợp pháp hóa, bác sĩ có quyền tiêm thuốc cho những bệnh nhân
đủ điều kiện để chết - Ảnh: Shutterstock
Jan Suyver, một thẩm phán về hưu ở Hà Lan đồng sáng lập ra Levenseinde (có nghĩa Kết thúc cuộc đời) - dịch vụ cơ động đến tận nơi cung cấp “cái chết êm ái” ở Hà Lan - giải thích động cơ của mình: đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân đau đớn không thể chịu đựng nổi, không có cơ may hồi phục nhưng cứ phải vật vã chịu đựng. BBC dẫn lời ông: “Nếu anh đau bệnh quá nặng và biết không thể nào cải thiện, ít nhất anh cũng có thể chọn được chết có người thân xung quanh, anh có thể thể chọn chết có ý thức: biết rõ chuyện gì đang xảy ra và mọi thứ trong tầm kiểm soát”.
Nhiều phong trào đòi hợp pháp hóa quyền được chết cho rằng điều này thực ra đã tồn tại rộng khắp, chỉ là người ta không thừa nhận nó mà thôi. Chẳng hạn từ chối cấp cứu hồi sức tim phổi - vốn có thể cứu mạng một người đã ngưng tim hoặc ngưng thở - cũng là một dạng từ chối sống một cách thụ động. Chính vì thế, theo những phong trào này, cần phải hợp pháp hóa quyền được chết để quản lý hiệu quả.
Kỳ tới: Sao cô còn ngồi đó mà sống ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.