Thực ra, Halloween có nguồn gốc từ cách đây hơn 2000 năm, khi người Celtic vẫn còn sinh sống ở vùng đất nay là Ireland, Vương quốc Anh và miền bắc Pháp. Theo kênh History, người Celtic ăn mừng năm mới vào ngày 1.11, thời điểm mùa hè, thời gian dành cho thu hoạch, kết thúc, nhường chỗ cho khí hậu tăm tối, giá lạnh của tiết thu đông, thường được họ gắn liền với sự chết chóc.
(TNO) Lễ hội hoá trang Halloween là một lễ hội lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới, và mỗi quốc gia sẽ có mỗi cách chào đón Halloween độc đáo khác nhau, theo Travel Channel.
Người Celtic cũng quan niệm rằng đêm trước năm mới, tức ngày 31.10, biên giới giữa sự sống và cái chết sẽ bị lu mờ nên những hồn ma có thể quay trở lại dương thế để chọc phá cộng đồng cũng như làm hại mùa màng. Nhưng mặt khác, nhờ nguồn năng lượng tâm linh đã "cường hóa" trong khoảng thời gian này, lời tiên đoán của các thầy phù thủy (được gọi là druid) sẽ chính xác hơn hẳn.
Do vậy, họ tổ chức lễ Samhain vào ngày 31.10. Trong đó, các thầy phù thủy thường đốt những đống lửa lớn, còn người dân thì tụ tập lại để hiến tế lương thực, gia súc cho thần linh. Họ mặc đồ hóa trang làm từ đầu và da động vật, hơn nữa còn "trổ tài" bói toán tiên đoán vận mệnh lẫn nhau.
|
Kết thúc lễ, mỗi người sẽ xin lửa từ những đống lửa lớn của các thầy phù thủy để đem về thắp sáng lò sưởi trong nhà, với hi vọng gia đình sẽ được bình an suốt mùa đông giá lạnh sắp tới.
Người La Mã cũng có 2 dịp lễ đặc biệt vào dịp tháng 10. Thứ nhất, ngày Feralia (thường được tổ chức cuối tháng 10) nhằm tưởng niệm những người đã khuất. Thứ 2, ngày tôn vinh nữ thần Pomona đại diện cho cây trái, vốn có biểu tượng là quả táo đỏ.
Năm 43 sau công nguyên, người La Mã xâm chiếm hầu hết vùng đất Celtic, "kết hợp" 2 ngày Feralia và Pomona với Samhain. Đây cũng là chi tiết giải thích sự xuất hiện của những quả táo trong dịp lễ Halloween hiện đại.
Ngày 13.5.609, Giáo hoàng Boniface IV hành lễ tôn vinh các hiệp sĩ tử vì đạo Thiên Chúa tại đền thờ Pathenon (nay tọa lạc ở Roma, Ý), khai sinh ra All Martyrs Day (Ngày của các chiến binh tử vì đạo) ở hệ thống nhà thờ phương Tây. Sau này, Giáo hoàng Gregory III dời ngày lễ sang 1.11, mở rộng để dành cho cả các vị thánh và chiến binh cảm tử.
|
Thế kỷ thứ 9, tư tưởng Thiên Chúa giáo đã len lỏi, thậm chí thay thế nhiều truyền thống Celtic cổ đại. Năm 1000, Giáo hội Thiên Chúa dành ngày 2.11 cho All Souls’ Day (Ngày tưởng nhớ người đã khuất), cũng với những đống lửa lớn, lễ diễu hành và đồ hóa tranh thành thiên thần, quỷ sứ... giống Samhain của người Celtic, nhưng mang "hơi hướm" quy tắc của Thiên chúa giáo nhiều hơn.
Ngày All Souls’ Day còn được gọi là All-hallows hoặc All-hallowmas theo tiếng Anh cổ. Từ đó, lễ Samhain truyền thống của người Celtic vào đêm 31.10 dần mang tên All-hallows Eve, cuối cùng trở thành Halloween như ngày hôm nay.
|
Dần dà, Halloween hiện đại chuyển mình từ một ngày kỷ niệm mang nhiều tính tâm linh, phép thuật và ăn mừng mùa màng, tưởng nhớ người chết sang lễ hội cộng đồng, nhắm đến giới trẻ nhiều hơn. Tuy vậy, nhiều nét truyền thống vẫn tồn tại đến ngày nay.
Lấy ví dụ, truyền thống trẻ em đi xin kẹo, nước ngọt, tiền bạc bắt nguồn từ ngày All Souls’ Day. Thời đó, người nghèo thường đi ăn xin quanh khu phố và được các gia đình bố thí "bánh linh hồn". Đổi lại, họ phải cam kết sẽ cầu nguyện cho những thân nhân đã khuất của gia chủ.
|
Hay như việc mặc đồ hóa trang cũng bắt nguồn từ châu Âu và vùng Celtic cổ xưa, khi người ta tin rằng vào dịp Halloween, ma quỷ thường rong chơi, phá phách ngoài đường, nên con người cần "trông giống họ" để không bị bắt nạt.
Bên cạnh đó, để đánh lạc hướng ma quỷ, người ta còn xếp nhiều loại thức ăn, đồ uống ở 2 bên đường nhằm mê hoặc chúng, do vậy sẽ không cố gắng lẻn vào nhà nữa. Rau củ, đặc biệt là bí ngô, được khắc, cắt tỉa cũng mang ý nghĩa như nơi trú ngụ của thế lực siêu nhiên hoặc đe dọa, đánh đuổi tà ma, dẫn đường cho các linh hồn lạc lối.
Bình luận (0)