Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết Hàn Quốc là thị trường được nhiều lao động (LĐ) VN lựa chọn bởi có nhiều việc làm và thu nhập ổn định, trung bình từ 1.000 - 1.500 USD (22 - 33 triệu đồng)/người/tháng. Đến nay đã có hơn 75.000 LĐ sang làm việc tại quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian qua tỷ lệ LĐ bỏ hợp đồng, hết thời hạn làm việc không trở về nước khá cao. Hàn Quốc đã dừng không tiếp tục ký bản thỏa thuận hợp tác với VN.
Ông Diệp chia sẻ: “Trong 4 năm, các cơ quan của hai nước đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ LĐ cư trú bất hợp pháp xuống. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ LĐ bỏ trốn đã giảm từ 47% còn khoảng 35%. Số LĐ cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 xuống còn hơn 15.000 người”.
|
Chưa tuyển chọn lao động tại các tỉnh có tỷ lệ bỏ trốn cao
Theo ông Diệp, những lao động độ tuổi từ 18 - 39, không có tiền án tiền sự hoặc không thuộc diện bị trục xuất khỏi Hàn Quốc, cấm xuất cảnh VN, đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài đều có cơ hội tham gia thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, những LĐ đã hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn, những LĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương theo các chương trình ân xá của hai Chính phủ cũng có cơ hội quay trở lại làm việc. Mức chi phí vẫn không thay đổi (630 USD/người, bao gồm tiền tập huấn, hồ sơ, visa và vé máy bay).
Để tạo cơ hội cho nhiều đối tượng mong muốn nhưng chưa có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc, trước mắt Bộ LĐ-TB-XH sẽ xem xét tạm thời chưa tuyển chọn LĐ tại các địa phương có số LĐ bất hợp pháp cao và người lao động có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Hiện có nhiều địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao (chiếm 85% LĐ cư trú bất hợp pháp) nằm trong diện xem xét tạm thời chưa được tuyển chọn như: Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Ông Diệp cho hay: “Trong tuần tới, cơ quan chức năng của hai bên sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn, các nhóm nghề có thể đăng ký dự tuyển… đối với người lao động có nguyện vọng tham gia. Thông tin về thời gian, phương thức và các điều kiện dự tuyển trên các trang thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB-XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước và các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động biết, bố trí thời gian học, ôn tập tiếng Hàn, chuẩn bị tốt cho các kỳ kiểm tra tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề”.
Bình luận (0)