Con gái chị lao công tiết lộ cách chinh phục Harvard, ẵm học bổng 7 tỉ

13/07/2016 09:15 GMT+7

Chủ đề bài luận mà đại học Harvard đưa ra là: 'Hãy chọn bất cứ vấn đề nào mà bạn thích và viết về nó' và Diệu Liên đã kể về chuyến thăm các em nhỏ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam tại làng Hòa Bình...

Không hoạt ngôn hay có vẻ ngoài năng động như vẫn thấy ở các bạn trẻ Sài Gòn, nữ sinh nhận học bổng “khủng” của đại học Harvard - Trần Thị Diệu Liên (19 tuổi, sống tại TP.HCM), là người khá trầm tính, chỉ nói khi thật sự cần thiết.

Em gái Liên, Như Quỳnh, xác nhận điều này: “Chị hai của em là người quan tâm em gái nhưng theo kiểu rất thầm lặng. Chị giỏi và hoàn hảo trong mắt em nhưng rất hiếm khi chị thể hiện điều đó ra bên ngoài. Nhìn bề ngoài có vẻ khó gần vậy thôi chứ thật ra chị em ấm áp vô cùng!”.

Câu chuyện làng Hòa Bình chinh phục "trái tim" Harvard

Kể về câu chuyện chinh phục Harvard, một trong những đại học danh giá nhất hành tinh, Diệu Linh cho biết, em nhận được chủ đề bài luận là: “Hãy chọn bất cứ chủ đề nào mà bạn thích và viết về nó”.

Sau khi suy nghĩ, Liên đã chọn câu chuyện về các em nhỏ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam tại làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Liên chọn cách kể về chuyến thăm của mình đến nơi thể hiện nhiều đau thương, mất mát và sự man rợ chiến tranh mà di chứng của nó kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, nỗi đau cứ dai dẳng.

Lối sống nội tâm và thích suy nghĩ của Diêu Liên được thừa hưởng nhiều từ ba, anh Trần Văn Dư Ảnh: Lê Ái

Chuyến thăm làng Hòa Bình dù ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng cô gái 19 tuổi nhiều ấn tượng sâu sắc. Vì thế, trong bài luận của mình, Diệu Liên hướng đến việc làm rõ mục đích của từ thiện và lý giải vì sao em muốn tiếp cận, giúp đỡ những em bé có hoàn cảnh đáng thương ở làng Hòa Bình. Ngoài ra, 9X còn gửi kèm các tác phẩm hội họa do mình sáng tác, đến các thầy cô trong ban tuyển sinh và nhận được những phản hồi tốt từ họ.

Với lối viết ấn tượng, cách lý giải các vấn đề rõ ràng và thuyết phục, Diệu Liên đã chinh phục được những trái tim ở Harvard. Ngày đón nhận tin được học bổng gần 7 tỉ đồng và được vào học tại một ngôi trong những trường danh giá nhất hành tinh - Harvard, Diệu Liên bình tĩnh như thể đã biết trước kết quả ấy.

Liên kể: “Mọi thứ diễn ra hoàn toàn khác với những điều em đã tưởng tượng, kỳ vọng. Em bình tĩnh đến lạ lùng, dù trước đó đã nghĩ, nếu mình được nhận vào trường sẽ rất vui. Có lẽ là do quan niệm: chọn đại học là chọn sự phù hợp chứ không phải là một giải thưởng để mình đạt lấy”.

Không vội vào đại học để săn học bổng

Trước đó, vào năm 2015, Diệu Liên được tuyển thẳng vào một trường đại học trong nước, song 9X quyết định bảo lưu việc học nửa năm, dành thời gian “gap year”. Diệu Liên giải thích với Thanh Niên: “Khái niệm ‘gap year’ có thể vẫn còn mới với nhiều bạn trẻ Việt, song với người thích lối sống phương Tây như em, việc này diễn ra hoàn toàn tự nhiên và cần thiết”.

Gia đình Diệu Liên Ảnh: Lê Ái

“Em không có áp lực phải vào đại học cùng thời điểm với các bạn. Kể cả việc săn học bổng cũng vậy, nếu không du học lúc này, em vẫn có thể đi lúc khác,… Một khi bản thân mình đã muốn, ắt sẽ có con đường để tới được cái đích đó”, 9X đầy tự tin.

Có được bản lĩnh đó, không thể không kể đến ba năm học dưới mái trường THPT chuyện Lê Hồng Phong (TP.HCM), nơi đã để lại trong Diệu Liên nhiều kỷ niệm đẹp. Cô gái 9X luôn thầm cảm ơn những người thầy, cô và bạn bè của mình. Chính nhờ sự dìu dắt của thầy cô, sự lạc quan trong tình bạn đã giúp Liên thêm vững tin để bước qua nhiều khó khăn.

“Lòng tốt của các bạn là một trong những 'bệ phóng' giúp em đến được với Harvard như hôm nay”, Liên bộc bạch.

Thích suy nghĩ và chơi thể thao

Liên có một thói quen đặc biệt, đó là bất cứ điều gì cũng có thể khiến cô suy nghĩ. Nhiều lúc ngồi làm việc, tai cô sẽ tự động ‘đóng’ lại, đầu óc mông lung nghĩ ngợi.

“Có lúc, em nghĩ có khi nào trái đất chỉ là một tế bào tồn tại trong một thực thể sống. Nếu ai đó nghiên cứu về tế bào trái đất, sẽ thấy con người giống như một loại virus đang phá hoại tế bào đó, còn thiên tai là cách để cơ thể kháng lại những loại virus nguy hiểm này”, 9X kể về một trong những suy nghĩ gần đây của cô.

Có lúc, em nghĩ có khi nào trái đất chỉ là một tế bào tồn tại trong một thực thể sống Ảnh: NVCC

Vì sở thích "đóng" tai suy nghĩ, nhiều lần Liên rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì thường xuyên không nghe thấy người bên cạnh đang trò chuyện với mình.

Bên cạnh thói quen thích suy nghĩ, tư duy trừu tượng, Diệu Liên được biết đến là một "cô gái Karatedo".

“Em học võ karatedo và thi đấu lấy giải từ hồi lớp 5. Ngày đó, bố là người khuyến khích em chơi thể thao, đặc biệt là học võ để vừa rèn luyện sức khỏe vừa nâng cao khả năng tự vệ…”, Liên kể.

Không chỉ karatedo, Liên còn chơi nhiều môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá, đá cầu, bóng rổ… và giành được hàng tá huy chương vì đạt thành tích cao trong các giải đấu lớn cấp trường, cấp thành phố.

'Cô giáo’ giỏi của em gái

Với Như Quỳnh (học sinh lớp 8), chị Liên còn hơn cả thần tượng vì chị vừa học giỏi lại hết lòng truyền đạt kiến thức cho em. Quỳnh khẳng định chắc nịch rằng: “Không có chị kèm cặp, em sẽ không học được như bây giờ đâu”.

Diệu Liên là thần tượng của em gái Ảnh Lê Ái
Trên chiếc bàn học nhỏ xíu chất đầy sách vở đặt ở góc nhà, hai chị em chia nhau mỗi người một bên. Liên đóng vai trò như “cô giáo” riêng của em gái trong suốt nhiều năm qua. Cũng như chị, Quỳnh không đi học thêm, khi gặp bài khó, không hiểu, Quỳnh thường hỏi chị gái và được giảng giải rất nhiệt tình.
“Ngồi học chung với nhau đôi lúc cũng có nhiều bất tiện, nhưng em chịu được, em nhường chị vì chị học cao hơn. Ví dụ như khi chị đọc bài, em sẽ chuyển sang làm bài tập, hay khi chị làm bài tập thì em lò dò học bài và cũng cố gắng đọc nho nhỏ cho chị không bị phân tán tư tưởng”, Quỳnh chia sẻ.

Như Quỳnh cũng đang dần chứng tỏ bản lĩnh trong học tập của mình không hề kém cạnh chị gái, nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp Tiểu học, Trung học cơ sở.

Dữ liệu duy nhất mà chúng tôi có được là địa chỉ ngôi trường, nơi mẹ Diệu Liên đang làm lao công. Trong lúc đứng trước cổng phân vân chưa biết nên làm gì tiếp theo, chúng tôi gặp một anh giữ xe. Anh hỏi cần tìm ai?
Khi biết chúng tôi đang tìm mẹ của cô gái vừa được học bổng 'khủng' của một trường đại học ở Mỹ. Sau vài phút trầm ngâm, anh lấy điện thoại gọi cho một người nào đó. Chúng tôi không nghe được cuộc nói chuyện của họ, chỉ đoán rằng, có thể mình đã tìm gặp đúng người.
Mời bạn đọc đón xem chuyện kể thú vị của tác giả trong quá tình "truy tìm" #CON GÁI CHỊ LAO CÔNG NHẬN HỌC BỔNG 7 TỈ CỦA HARVARD trên Thanh Niên Online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.