Đau lòng ngắm 2 bức tranh đạt kỷ lục Việt Nam bị viết vẽ bậy

12/11/2016 20:15 GMT+7

Cặp tranh phong cảnh chủ đề về biển vẽ bằng acrylic trên toan vừa được công nhận lớn nhất Việt Nam đang trưng bày ở hầm đi bộ cầu Rồng (TP. Đà Nẵng) bị những người thiếu ý thức ghi tên và viết vẽ bậy lên tranh.

Hôm nay, 12.11, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận kỷ lục cho "Cặp tranh phong cảnh chủ đề về biển vẽ bằng acrylic trên toan lớn nhất” Việt Nam, mang thông điệp bảo vệ biển, đại dương đang được trưng bày tại hầm đi bộ cầu Rồng (TP. Đà Nẵng).

Những bức tranh trên tường xóa đi vẻ đơn điệu của con đường đi bộ... ẢNH: AN DY

Hai bức tranh được công nhận kỷ lục có chiều dài 35,6m x 2,1m mỗi bức, do họa sĩ Trần Hữu Dương và nhóm họa sĩ Khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng thực hiện bằng chất liệu Acrylic trên toan.

“Biển gọi” và “Tài nguyên vô giá”, tên của hai bức tranh, chính thức ra mắt công chúng hồi tháng 8.2016. Nếu ai đó đã từng đi dọc đường hầm dành cho người đi bộ dưới chân cầu Rồng, sẽ không khỏi ấn tượng với 2 bức tranh “khủng” này.

Không chỉ truyền cảm hứng về một tác phẩm nghệ thuật đường phố ấn tượng, 2 bức tranh lớn kỷ lục còn chuyển tải thông điệp bảo về môi trường biển, lan tỏa tình yêu với đại dương bao la, nơi nuôi dưỡng nguồn sống của hệ thái, động thực vật và con người.

“Biển gọi” là không gian biển xanh dịu êm, trải dài hút mắt, cát trắng lấp lánh, ghềnh đá nhấp nhô. Từng lớp sóng xanh tung bọt trắng xóa từ ngàn khơi theo nhau xô bờ kể câu chuyện tình yêu chung thủy bao đời nay của Biển với vạn vật, sự sống.
Còn tác phẩm “Tài nguyên vô giá” lại là thế giới “ngầm” dữ dội của biển cả, đại dương, là câu chuyện khác về sự sống với những gam màu sôi nổi, trẻ trung và cuồng nhiệt.
Kêu gọi những hành động ý thức hơn từ phía cộng đồng để những tác nghệ thuật được lưu giữ mãi... ẢNH: AN DY
Theo kế hoạch, 2 bức tranh kỷ lục sẽ được trưng bày ở hầm đi bộ cầu Rồng (TP Đà Nẵng) đến tháng 2.2017; tuy nhiên, nhóm tác giả vẫn kỳ vọng “Biển gọi” và “Tài nguyên vô giá” sẽ mãi “dừng chân” chốn này, trở thành điểm nhấn ấn tượng và thú vị cho người dân và du khách thưởng lãm.
“Nếu được duyệt trưng bày về lâu về dài nơi đây, chúng tôi sẽ có phương án bảo vệ tranh hiệu quả hơn. Buồn là có những người thiếu ý thức, đã ghi tên và viết vẽ bậy lên tranh, thể hiện lối sống không đẹp nơi công cộng, làm giảm giá trị nghệ thuật của tranh”, anh Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường CĐ VHNT Đà Nẵng, thành viên nhóm họa sĩ thực hiện 2 bức tranh đau lòng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.