Lực lượng công tác xã hội tình nguyện ở các xã, phường đã tích cực góp sức ngăn ngừa tệ nạn ma túy, giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng.
Lao động ở cơ sở lẵng hoa Sơn Lâm là những thanh niên nghiện ma túy hoàn lương - Ảnh: Trung Chuyên |
Cuối con đường Lương Thế Vinh ở P.Tân Tiến, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), có xưởng lẵng hoa thủ công Sơn Lâm chật hẹp nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng máy cưa, đục gõ của nhân công đang làm việc cần mẫn. Chủ xưởng là một thanh niên gần 30 tuổi, tên Sơn Lâm, cho biết xưởng thành lập được gần 5 năm, tạo việc làm cho từ 4 - 6 thợ, mỗi ngày cung ứng ra thị trường hàng trăm lẵng hoa, giỏ đựng quà làm từ mây, tre, gốc cây... “Thu nhập tại đây chưa cao lắm nhưng giúp anh em đỡ đần nhiều cho gia đình. Điều quan trọng là đã giúp anh em thực sự hoàn lương, từ bỏ hẳn con đường nghiệp ngập”, Lâm bộc bạch. Ngoài làm lẵng hoa, cơ sở của Lâm còn mở rộng nuôi thêm 200 con gà đẻ, 20 con heo rừng, chăm sóc gần 500 chậu hoa, cây cảnh để bán dịp tết…
Nhiều năm nay, cơ sở Sơn Lâm được xem là một trong những điển hình thành công về hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện (CTXHTN) P.Tân Tiến. Trước đây khi đang học THPT, Lâm dính vào ma túy rồi nghiện nặng, bỏ học. Để có tiền mua ma túy, anh lấy tài sản trong nhà đem bán, rồi trộm cắp, cướp giật, hai lần phải thụ án tù. Khi ra tù lần hai năm 2010, Lâm thức tỉnh, quyết tâm cai nghiện. Đội CTXHTN P.Tân Tiến đã kịp thời hỗ trợ Lâm lập xưởng lẵng hoa, bảo lãnh cho vay vốn, quy tụ những thanh niên từng một thời làm bạn với “cái chết trắng” vào làm việc.
Anh Nguyễn Văn Tần, Đội trưởng Đội CTXHTN P.Tân Tiến, cho biết Sơn Lâm còn là thành viên tích cực của đội, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện khác trên địa bàn phường. Hiện Đội CTXHTN cùng các đơn vị chức năng của phường luôn thăm hỏi, động viên hơn 30 người không tiếp tục đi vào con đường nghiện ma túy, giới thiệu việc làm ổn định cho 5 người; tổ chức nhiều đợt tư vấn kiến thức, đổi kim tiêm cho người nghiện, người bị nhiễm HIV, chăm sóc trẻ em cơ nhỡ… Để gây quỹ hỗ trợ hoạt động, Đội CTXHTN đã có sáng kiến giữ xe, mở quầy bán bánh trung thu lấy lãi…
Ở Đội CTXHTN P.Bình Tân, TX.Buôn Hồ, phần lớn thành viên đều công tác ở các đoàn thể của phường kiêm nhiệm nên có kinh nghiệm vận động quần chúng, lại am hiểu địa bàn. Ông Đoàn Hùng Cương, Đội phó Đội CTXHTN P.Bình Tân, cho biết Đội đã cùng công an phường, trạm y tế tiến hành xác minh người nghiện, từ đó phân công thành viên phụ trách từng người để gặp gỡ, vận động, thuyết phục họ cai nghiện. Hiện toàn phường có 12 người nghiện, trong đó 4 người đang cai nghiện bắt buộc, 1 người đã hết nghiện, số còn lại được cai nghiện tại cộng đồng. Trong số người từng nghiện có duy nhất một đôi vợ chồng N.V.K và P.T.L. Tiếp xúc với chúng tôi, chị L. rơi nước mắt kể về nỗi hối hận, dằn vặt khi trót vướng vào ma túy, khiến con cái khổ sở, bà con, hàng xóm chê cười. “Được chú Cương và anh em Đội CTXHTN của phường động viên nên vợ chồng tôi đã đi cai nghiện tập trung trở về, dù còn mặc cảm nhưng vợ chồng quyết làm lại cuộc đời, giúp cho con cái trưởng thành”, chị L. thổ lộ.
Ông Nguyễn Xuân Quý, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, cho biết toàn tỉnh xây dựng được 121 Đội CTXHTN ở xã, phường, thị trấn với trên 800 tình nguyện viên, nhiều Đội CTXHTN đóng góp khá hiệu quả như ở P.Tân Tiến, P.Bình Tân kể trên, tích cực ngăn chặn, bài trừ các tệ nạn xã hội, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng cho nhiều người từng lầm lỡ. Tuy vậy, theo ông Quý, hoạt động của Đội CTXHTN ở một số địa bàn cơ sở vẫn còn hạn chế. “Phần lớn tình nguyện viên làm kiêm nhiệm, nhiều người không có đủ thời gian cho hoạt động xã hội, phụ cấp thù lao còn thấp, chưa có trang thiết bị hoặc phụ cấp xăng xe khi đi làm việc... Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm, tấm lòng của tình nguyện viên, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền cơ sở để hoạt động của các Đội CTXHTN đạt hiệu quả cao hơn”, ông Quý chia sẻ.
Bình luận (0)