Thế giới trong kỷ nguyên 5G

31/03/2019 17:30 GMT+7

Công nghệ di động thế hệ 5G hứa hẹn đem đến sự bứt phá mới cho nền kinh tế tri thức toàn cầu.

Không đơn thuần chỉ là nâng cao tốc độ kết nối để truy cập internet và sử dụng các ứng dụng như việc chuyển đổi từ 3G lên 4G, công nghệ di động thế hệ 5G hứa hẹn đem đến sự bứt phá mới cho nền kinh tế tri thức toàn cầu.
12.000 tỉ USD - gần tương đương quy mô nền kinh tế Trung Quốc năm 2018 - là giá trị mà công nghệ mạng di động 5G hứa hẹn đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu. Đây là thông tin mà Hãng tin Bloomberg ngày 29.3 trích dẫn từ một số báo cáo phân tích.

Nền tảng mở ra bứt phá

Ban đầu, Global Positioning System (GPS - Hệ thống định vị toàn cầu) có thể chỉ đơn thuần là một ứng dụng định vị, nhưng thực tế đã trở thành một nền tảng quan trọng cho nhiều phát minh đột phá khác, điển hình là “taxi công nghệ Uber”. Bà Penny Baldwin, Phó chủ tịch cấp cao - Giám đốc tiếp thị Tập đoàn Qualcomm, đã dùng câu chuyện trên của GPS để minh họa cho những thay đổi mà 5G hứa hẹn tạo ra.
“5G sẽ tạo ra sự thay đổi ở mọi thứ chứ chẳng phải chỉ với chiếc điện thoại di động. Những chiếc điện thoại di động 5G chỉ mới là bắt đầu. 5G là nền tảng để phát kiến ra nhiều thứ mới mẻ”, bà Baldwin nhấn mạnh như vậy với báo giới, trong đó có PV Thanh Niên, tại Hội nghị di động thế giới (MWC) 2019 diễn ra gần đây ở Barcelona (Tây Ban Nha).
Thực tế tại MWC 2019, những chiếc smartphone 5G, tích hợp chip xử lý Qualcomm Snapdragon 855, chỉ là phần “khởi động” cho chuỗi ứng dụng mở rộng đột phá khác từ internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)… để tạo ra văn phòng - nhà thông minh, nhà máy thông minh, phương tiện không người lái, bán lẻ công nghệ số, phẫu thuật từ xa…
Điển hình như với kỹ thuật phát sóng mà Qualcomm đang phát triển là 5G New Radio (NR) được thử nghiệm thực tế cho độ kết nối ổn định đạt mức 99,99% khi thiết lập các mạng nội bộ không dây trong nhà. Kết hợp cùng tốc độ truyền tải lớn, các kỹ thuật này cho phép thiết lập hệ thống điều khiển thông minh trong các cơ sở sản xuất tích hợp robot mà không cần đến mạng lưới dây dẫn phức tạp như trước. Nhờ đó, thời gian xây dựng cơ sở sản xuất vừa có thể rút ngắn, vừa tăng hiệu suất hoạt động khi kết hợp cùng công nghệ cảm biến, thực tế ảo, máy học, tự hành.
Tương tự như thế, các công nghệ dựa trên 5G cùng các nền tảng khác còn giúp phát triển những văn phòng thông minh tích hợp cả trí tuệ nhân tạo để xử lý công việc nhanh hơn, hay ngành công nghệ logistics hưởng lợi không ít khi có thể tổ chức hệ thống quản lý tồn kho và vận chuyển theo thời gian thực hiệu quả hơn. Ngành giao thông cũng hứa hẹn bước sang cuộc cách mạng mới không xa với viễn cảnh những chiếc xe không người lái sẽ trao đổi thông tin dữ liệu với nhau nhằm tăng tính an toàn và mạng lưới giao thông vận hành thông suốt hơn.
Đặc biệt, với tốc độ kết nối cực cao, công nghệ 5G cũng tạo cơ hội để ngành y tế có nhiều đột phá. Điển hình như tại MWC 2019 còn có màn trình diễn của một bệnh viện tại Barcelona khi bác sĩ ngồi tại trung tâm triển lãm vẫn có thể hướng dẫn từ xa ca phẫu thuật tại bệnh viện.

Hiện thực không xa

Đến nay, nhiều cơ sở hạ tầng và thiết bị dùng cho 5G gần như đã sẵn sàng. Cụ thể như theo Bloomberg, nhà máy thông minh với kỹ thuật tối tân dựa trên công nghệ 5G đã được đưa vào hoạt động thử nghiệm tại Anh. Các dòng xe tự hành cũng đã vận hành rộng rãi tại nhiều quốc gia. Smartphone 5G sẽ được bán ra từ quý 2 sắp tới và có thể sử dụng mạng 5G tại một số quốc gia như Hàn Quốc hay Úc ngay trong năm nay. Một số thương hiệu như Xiaomi đưa ra mức giá dự kiến cho chiếc smartphone 5G chỉ 500 USD (khoảng 12 triệu đồng).
Chính vì những thay đổi sâu rộng trên, các chuyên gia nhận định 5G sẽ tạo ra bước chuyển mới cho nền kinh tế tri thức toàn cầu trong một hiện thực không xa. Chính vì thế, đây cũng là cơ hội đồng thời là thách thức cho mọi quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, tin rằng VN hoàn toàn có thể sớm phát triển mạnh về 5G để tận dụng các cơ hội phát triển. Bằng chứng là Tập đoàn Viettel đang đẩy nhanh xây dựng mạng 5G và đã nhận giấy phép thử nghiệm để tiến hành trong năm 2019. Và vài năm qua, mạng 4G đã phát triển rất nhanh tại VN.
Theo báo cáo hồi cuối tháng 2 do Hiệp hội GSM quốc tế công bố, 5G sẽ đạt số lượng 1,4 tỉ kết nối vào năm 2025, chiếm 15% tổng lượng kết nối di động toàn cầu. Trong khi cũng đến năm 2025, tại châu Âu và Trung Quốc, 5G có thể chiếm đến 30% tổng số lượng kết nối di động. Và tỷ lệ này tại Mỹ dự kiến đạt hơn 50% vào cùng thời điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.