Một tuần đầy biến động
Ngay khi bước sang tháng 2, thế giới đứng ngồi không yên trước kịch bản chiến tranh thương mại có thể bùng nổ ở phạm vi toàn cầu. Trung Quốc, Canada và Mexico là những quốc gia mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm đến đầu tiên trong quyết định áp thuế vào ngày 1.2. Các mặt hàng từ Mexico và Canada chịu mức thuế lên đến 25% và toàn bộ hàng Trung Quốc bị áp thêm 10%.
Cả 3 nước trên đều lập tức công bố những đòn đáp trả Mỹ. Đến nay, lệnh áp thuế với Canada và Mexico đã được Mỹ hoãn thêm 30 ngày, trong khi biện pháp thuế quan qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc gợi ra viễn cảnh thương chiến căng thẳng tương tự 7 năm trước dưới thời chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông Trump tạm dừng áp thuế quan đối với Mexico, Canada trong 1 tháng
Tuy nhiên, lần tăng thuế này lại không được lý giải bằng các nguyên nhân về quan hệ thương mại giữa Mỹ và 3 đối tác hàng đầu, mà là việc ông Trump muốn các nước cam kết tăng cường biện pháp kiểm soát hoạt động giao dịch thuốc fentanyl đến Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng đổi ý hoãn áp thuế với Canada và Mexico sau khi 2 nước láng giềng cam kết tăng cường ngân sách và hoạt động bảo vệ an ninh biên giới.
![Thế giới trước bài toán chiến tranh thương mại- Ảnh 1. Thế giới trước bài toán chiến tranh thương mại- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/6/2-online-1738851351232499279504.jpg)
Hàng hóa xuất khẩu tại một cảng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu 10% lên hàng hóa Trung Quốc khiến nước này phải tiến hành các biện pháp trả đũa, gây lo lắng cho thương mại toàn cầu
ẢNH: REUTERS
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm hôm 5.2 bác bỏ cáo buộc của phía Mỹ cho rằng Bắc Kinh không chặn được hoạt động buôn lậu fentanyl vào Mỹ. "Fentanyl là vấn đề của Mỹ và gốc rễ của nó nằm ở bên trong nước Mỹ", ông Lâm Kiếm nói và nhấn mạnh không bên nào thắng trong chiến tranh thương mại. Sau khi lệnh áp thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực, Bộ Tài chính Trung Quốc lập tức thông báo sẽ áp thuế với hàng hóa nhập từ Mỹ, bao gồm 15% đối với than, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô, Reuters đưa tin hôm 4.2.
EU chuẩn bị đương đầu
Đề cập vấn đề fentanyl có thể là cơ sở pháp lý để ông Trump viện dẫn Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA), trao quyền cho Tổng thống Mỹ quản lý các hoạt động nhập khẩu trong điều kiện khẩn cấp quốc gia. Song căng thẳng thương mại có thể không chỉ dừng ở Mỹ và 3 quốc gia nêu trên, khi ông chủ Nhà Trắng khẳng định "chắc chắn" sẽ áp thuế với Liên minh Châu Âu (EU), đối tác thương mại lâu đời xuyên Đại Tây Dương của Mỹ, qua đó gây nguy cơ xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng và xáo trộn thị trường trên phạm vi toàn cầu. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng EU nhận thức rõ thách thức tiềm tàng trong quan hệ thương mại với Mỹ, song đã sẵn sàng đương đầu.
![Thế giới trước bài toán chiến tranh thương mại- Ảnh 2. Thế giới trước bài toán chiến tranh thương mại- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/6/4-online-1738851413539322994958.jpg)
Bảng điện tử hiển thị chỉ số giao dịch cổ phiếu Thượng Hải tại một công ty môi giới ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 5.2
ẢNH: AP
Theo Đài BBC, các nhà hoạch định châu Âu vẫn đang nghiên cứu động cơ thực sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi "chĩa mũi giáo" về EU. Ông Trump từ lâu bất bình với việc thặng dư thương mại của EU với Mỹ chênh lệch đáng kể. Tuy nhiên, nếu đây là nguyên nhân chính thì các nhà quan sát lại đặt vấn đề vẫn còn đó những quốc gia có cán cân thương mại chênh lệch với Mỹ nhưng chưa được nêu tên.
Ngoài ra, theo Ủy viên phụ trách vấn đề thương mại của EU Maros Sefcovic, ông Trump chỉ tập trung vào hàng hóa mà bỏ qua lĩnh vực được Mỹ thu lợi đáng kể từ xuất khẩu là dịch vụ. "Chúng tôi có thặng dư thương mại trong hàng hóa, nhưng Mỹ lại có thặng dư trong dịch vụ. Mỗi năm, 300 tỉ euro chảy vào các công ty Mỹ từ quỹ hưu trí của chúng tôi, khi công dân châu Âu dùng khoản tiết kiệm để đầu tư vào Mỹ. Do đó, tôi nghĩ đây là mối quan hệ công bằng", ông Sefcovic nói.
Đối với Vương quốc Anh, ông Trump nói rằng có thể "thỏa thuận" với London về các quyết định thuế quan, trong bối cảnh Anh là nước xuất siêu trong quan hệ thương mại với Mỹ. Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định nước này sẽ "không chọn bên giữa Mỹ và EU", sau khi ông Trump dọa áp thuế châu Âu.
Ông Trump tăng thuế, Trung Quốc trả đũa ngay
"Lạm phát dưới hình thức thuế quan"
Người dân Mỹ từng trải qua tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan mà Tổng thống Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên. Theo Đài PBS, phạm vi ảnh hưởng sẽ còn rộng hơn những năm trước, khi mức thuế 10% của ông Trump có thể đánh vào lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hơn 450 tỉ USD. Theo tổ chức phân tích chính sách thuế Tax Foundation (trụ sở tại Mỹ), riêng sắc lệnh thuế quan với Trung Quốc mới đây sẽ khiến mỗi hộ gia đình tại Mỹ chịu thêm 172 USD gánh nặng từ thuế.
Khi ký ban hành biện pháp áp thuế hôm 1.2, ông Trump nói rằng thuế suất sẽ gây những "đau đớn", nhưng đó là cái giá xứng đáng để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Theo tờ USA Today, ông Darpan Seth, Tổng giám đốc Công ty Nextuple (đơn vị chuyên tư vấn giải pháp bán hàng cho các doanh nghiệp Mỹ), cho hay: "Đối với người tiêu dùng, thuế quan chỉ là một hình thức khác của lạm phát nhưng được đánh vần khác đi. Nó đều có ảnh hưởng đến việc tăng giá".
Các nghiên cứu của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ đối với nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump (2017 - 2021) cho thấy phần lớn gánh nặng kinh tế của việc tăng thuế quan cuối cùng do người tiêu dùng Mỹ gánh chịu.
Giá vàng lập đỉnh, chứng khoán dần ổn định
Những lo ngại về kịch bản chiến tranh thương mại kéo dài khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng. Giá vàng ngày 5.2 tiếp tục lập kỷ lục, với giá bán ra tại Mỹ đạt 2.865 USD/ounce. Reuters dẫn lời Phó chủ tịch Peter Grant thuộc Công ty Zaner Metals (chuyên cung cấp giải pháp khai thác kim loại, trụ sở tại Mỹ) nhận định giá vàng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ bối cảnh không chắc chắn về thương mại. Động thái áp thuế của Mỹ và đòn đáp trả từ Trung Quốc khiến thị trường lo lắng và tìm đến dòng tiền trú ẩn an toàn.
Thị trường chứng khoán toàn cầu sau khi chao đảo hồi đầu tuần đã phần nào ổn định và phục hồi khi ông Trump hoãn áp thuế lên Mexico và Canada. Trong phiên giao dịch sáng qua, các chỉ số lớn tại châu Á như Nikkei 225, KOSPI, Shanghai Composite đều đồng loạt tăng điểm. Đà tăng trước đó cũng đã xuất hiện tại Phố Wall khi 3 chỉ số hàng đầu gồm S&P 500 tăng 0,4%, Dow Jones tăng 0,7% và Nasdaq tăng 0,2%. Theo AP, thực tế thị trường củng cố thêm tâm lý cho các nhà đầu tư rằng Tổng thống Trump coi thuế quan là công cụ để mặc cả cho các chương trình nghị sự, thay vì chính sách dài hạn.
Trung Quốc khiếu nại Mỹ lên WTO
Trung Quốc ngày 5.2 đã gửi khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về quyết định của Mỹ áp thuế thêm 10% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hủy quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu có giá trị không quá 800 USD. Theo Reuters, Bắc Kinh cho rằng các hành động của Washington mang tính bảo hộ và vi phạm quy tắc của WTO. Ý định nộp đơn khiếu nại đã được Trung Quốc công khai ngày 2.2, một ngày sau khi ông Trump ký sắc lệnh áp thuế lên hàng hóa Mexico, Canada và Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay cả khi thắng kiện, Trung Quốc cũng khó hưởng lợi khi Cơ quan Phúc thẩm của WTO, hệ thống giải quyết các tranh chấp, đã không hoạt động kể từ năm 2019, do Mỹ ngăn việc bổ nhiệm thẩm phán cho cơ quan này.
Bình luận (0)