Thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng chưa từng thấy trong lịch sử

08/07/2024 16:34 GMT+7

Tháng vừa qua trở thành tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận, sau nửa năm thời tiết thất thường với nắng nóng, bão lụt và cháy rừng tại nhiều nơi.

Thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng chưa từng thấy trong lịch sử- Ảnh 1.

Khách bộ hành ở Tokyo (Nhật Bản) giữa nắng nóng 35 độ C vào ngày 8.7

AFP

Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh Châu Âu (EU) hôm nay 8.7 cho biết tháng vừa qua là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu, đánh dấu nửa năm thời tiết khó lường với những đợt sóng nhiệt và lũ lụt.

Đáng chú ý, mỗi tháng trong 13 tháng vừa qua điều là tháng nắng nóng kỷ lục từng được ghi nhận, theo AFP dẫn thông tin từ C3S.

"Đây không chỉ là một thống kê khác thường và nêu bật sự thay đổi lớn, liên tục về khí hậu. Ngay cả khi chuỗi cực đoan này kết thúc, chúng ta chắc chắn sẽ thấy những kỷ lục mới bị phá vỡ khi khí hậu tiếp tục ấm lên", theo Giám đốc C3S Carlo Buontempo.

Thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng chưa từng thấy trong lịch sử- Ảnh 2.

Lũ lụt nhấn chìm một khu vực ở Bangladesh hôm 6.7

AFP

Theo ông, điều này là không thể tránh khỏi nếu con người vẫn tiếp tục bổ sung thêm các loại khí giữ nhiệt vào bầu khí quyển. Kỷ lục mới được ghi nhận vào thời điểm giữa năm, sau những hiện tượng khí hậu cực đoan như nắng nóng thiêu đốt nhiều vùng trên thế giới từ Ấn Độ đến Ả Rập Xê Út, Mỹ và Mexico trong nửa đầu năm nay.

Mưa kéo dài, hiện tượng mà giới nhà khoa học cho rằng có liên quan khí hậu ấm hơn, gây ra lũ lụt trên diện rộng ở Kenya, Trung Quốc, Brazil, Afghanistan, Nga và Pháp. Cháy rừng đã thiêu rụi những khu vực ở Hy Lạp và Canada.

Thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng chưa từng thấy trong lịch sử- Ảnh 3.

Trực thăng chữa cháy rừng tại Hy Lạp hôm 30.6

REUTERS

Chuỗi nhiệt độ kỷ lục trùng với El Nino. Theo chuyên gia Julien Nicolas tại C3S, El Nino chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiệt độ cao. Tuy nhiên, thế giới sắp chuyển qua giai đoạn La Nina có tác động hạ nhiệt.

"Chúng ta có thể hy vọng nhiệt độ toàn cầu hạ xuống trong vài tháng tới. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ bề mặt đại dương tiếp tục nóng thì ngay cả La Nina cũng không giúp năm 2024 ít nóng hơn năm 2023. Vẫn còn quá sớm để dự báo", theo ông Nicolas.

Trái đất "bên vực thẳm": Liên Hiệp Quốc báo động đỏ về nhiệt độ tăng

Theo C3S, nhiệt độ toàn cầu trong 12 tháng tính đến tháng 6.2024 trung bình ở mức 1,64 độ C cao hơn thời tiền công nghiệp. Điều này không có nghĩa là thế giới đã vượt ngưỡng 1,5 độ C trong thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, do ngưỡng này tính theo nhiều thập niên chứ không tính theo năm.

Tuy nhiên, C3S hồi tháng trước dự báo thế giới có 80% khả năng ghi nhận nhiệt độ trung bình tạm vượt ngưỡng này trong vòng 5 năm tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.