Theo tờ The Guardian, một chiếc thuyền chở 72 hành khách, gồm nhiều phụ nữ, trẻ em và người tị nạn chính trị, đã gặp nạn vào cuối tháng 3 sau khi rời thủ đô Tripoli của Libya để đến hòn đảo Lampedusa của Ý.
Trôi dạt giữa biển 16 ngày
Trong lúc bị trôi giạt giữa biển, con thuyền đã báo động lực lượng tuần duyên Ý và bắt liên lạc với một trực thăng quân sự và một tàu chiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song không có nỗ lực cứu hộ nào được thực hiện.
Hậu quả, 61 người trên con thuyền đã chết vì đói khát sau khi trôi dạt 16 ngày trên biển. Abu Kurke, một trong số 11 người sống sót, kể lại: “Mỗi sáng chúng tôi thức dậy và thấy thêm nhiều người chết, chúng tôi để họ trong 24 giờ trước khi thả xuống biển. Vào những ngày cuối, chúng tôi không còn nhận ra chính mình… mọi người chỉ cầu nguyện và chờ chết”.
|
Vào ngày 10.4, con thuyền dạt vào bờ biển gần thị trấn Zlitan gần thành phố Misrata. Trong số 72 hành khách, chỉ còn 11 người sống sót. Một người đã chết gần như ngay sau khi vào bờ và một người khác chết không lâu sau đó ở trong tù sau khi tất cả những người sống sót bị quân chính phủ Libya bắt giữ và giam 4 ngày.
Kêu gọi mở cuộc điều tra
Luật Hàng hải quốc tế vốn buộc mọi phương tiện, bao gồm phương tiện quân sự, phải trả lời tín hiệu cầu cứu từ những tàu thuyền gặp nạn ở gần đó và trợ giúp theo khả năng.
Trong hôm 8.5, các nhà hoạt động vì người tị nạn đã yêu cầu mở cuộc điều tra về những cái chết này trong khi Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã gêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn giữa các phương tiện quân sự và thương mại ở Địa Trung Hải nhằm cứu người gặp nạn.
Người phát ngôn của UNHCR Laura Boldrini nói: “Địa Trung Hải không thể trở thành miền tây hoang dã. Những kẻ không cứu người gặp nạn trên biển không thể không bị trừng phạt”.
Theo lời kể của những người sống sót, sau khi gửi tín hiệu cầu cứu đến lực lượng tuần duyên Ý vào cuối tháng 3, một chiếc trực thăng có chữ “Quân đội” (Army) bên hông đã bay đến bên trên con thuyền. Các phi công mặc quân phục đã thả các chai nước và những hộp bánh xuống thuyền, đồng thời ra tín hiệu cho con thuyền ở đó đến khi tàu cứu hộ đến. Sau đó, chiếc trực thăng bay đi và không có con tàu cứu hộ nào đến.
Tàu Pháp từ chối cứu người gặp nạn?
Trong một thời điểm thuộc ngày 29 hoặc 30.3, chiếc thuyền trôi đến gần một tàu sân bay của NATO, gần đến mức người trên tàu không thể không thấy con thuyền. Tuy nhiên, tàu sân bay này không thực hiện nỗ lực nào để cứu nạn. Con thuyền sau đó bị sóng đánh dạt ra xa trở lại.
|
Tờ The Guardian đã thực hiện một cuộc điều tra về nhân dạng của con tàu NATO đó và kết luận gần như chắc chắn rằng đó là tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp, con tàu vốn hoạt động ở Địa Trung Hải trong những ngày đó.
Các quan chức hải quân Pháp ban đầu bác bỏ tàu Charles de Gaulle có mặt trong khu vực tại thời điểm đó. Tuy nhiên, khi được tờ The Guardian trình ra bằng chứng bác bỏ điều này, họ đã từ chối bình luận.
Trong khi đó, một người phát ngôn của NATO khẳng định lực lượng này không nhận được tín hiệu cứu hộ nào và không biết gì về vụ việc. Hiện tại, cũng không có quốc gia nào xác nhận về nguồn gốc chiếc trực thăng đã bay đến bên trên con thuyền.
Những cuộc xung đột chính trị và quân sự ở Bắc Phi trong năm nay khiến dòng người di cư đến châu u tăng vọt. Có khoảng 300.000 người được cho là đã vượt Địa Trung Hải để đến châu u trong 4 tháng qua. Phần lớn số người này đã chết trong cuộc hành trình. Vào tháng trước, có hơn 800 người di cư thuộc nhiều nước khác nhau mất tích và được cho là đã chết khi rời Libya để đến châu u.
Vào hôm 8.5, hơn 400 người di cư đã thoát chết trong một cuộc cứu nạn kịch tính khi thuyền của họ đụng phải đá ở đảo Lampedusa.
Sơn Duân
Bình luận (0)