8 thập niên phương thức 'tìm diệt' của Mỹ

12/01/2020 09:00 GMT+7

Sau gần 80 năm tiến hành hàng loạt chiến dịch “tìm diệt” tướng lĩnh đối phương, cũng như những cá nhân bị cho là liên quan khủng bố, Mỹ đang tận dụng các vũ khí tối tân cho phương thức này.

Từ đô đốc Yamamoto đến tướng Soleimani

Tháng 12.1941, cả thế giới chấn động khi quân đội Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ Mỹ ở Trân Châu Cảng, mở màn giai đoạn Washington chính thức tham chiến Thế chiến 2.
Diễn biến này đã khiến vị đô đốc lẫy lừng của Nhật là Isoroku Yamamoto, người hoạch định vụ tấn công, trở thành mục tiêu mà Mỹ muốn tiêu diệt. Không những để trả thù vụ Trân Châu Cảng, việc tiêu diệt Đô đốc Yamamoto còn giúp cho quân đội Mỹ loại bỏ một vị tướng tài ba của đối thủ.

Một bức vẽ mô phỏng phi vụ Mỹ phục kích máy bay chở Đô đốc Yamamoto

Ảnh: Không quân Mỹ

Sau gần 2 năm theo dõi, người Mỹ thu thập được thông tin “mục tiêu” sẽ bay đến thị sát thực địa ở đảo Bougainville (thuộc Papua New Guinea). Kết quả, Mỹ đã tổ chức nhóm chiến đấu cơ P-38G phục kích máy bay chở Đô đốc Yamamoto và các chiến đấu cơ hộ tống, theo chuyên san The National Interest. Người Mỹ đã thành công trong chiến dịch này, Đô đốc Yamamoto thiệt mạng và có thể là người đầu tiên bị “tìm diệt” bởi chính phủ Mỹ hoặc các cơ quan bên dưới.
Kể từ đó, Mỹ tiến hành không ít điệp vụ vây bắt, tìm cách sát hại những đối tượng mục tiêu, bao gồm cả hình thức ám sát. Vào năm 1976, dưới thời Tổng thống Gerald Ford, nước Mỹ thông qua một đạo luật cải tổ hoạt động tình báo. Trong đó, đạo luật này quy định không nhân sự nào trực thuộc chính phủ Mỹ tham gia, âm mưu tham gia vào hoạt động ám sát chính trị.
Quy định này gây không ít khó khăn cho các hoạt động “tìm diệt” mà các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ vẫn thường tiến hành. Tuy nhiên, bằng nhiều cách thức lách luật, như viện dẫn luật chống khủng bố, đồng thời tiến hành một số thủ tục mang tính pháp lý, các cơ quan của chính phủ Mỹ đến nay vẫn tiến hành các phi vụ “tìm diệt”.
Trong đó, nổi bật là các vụ mà mục tiêu thường liên quan đến yếu tố “khủng bố” theo định nghĩa của giới tình báo Mỹ, điển hình như Osama Bin Laden (“trùm” tổ chức khủng bố al-Qaeda), Abu Bakr al-Baghdadi (lãnh đạo Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng - IS), hay mới đây là tướng Qasem Soleimani (chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds và là nhân vật quyền lực thứ hai tại Iran).

Cặp đôi song sát

“Lửa địa ngục” kiểu ninja

Tên lửa tấn công mặt đất Hellfire có nhiều biến thể để trang bị trên nhiều loại phương tiện và có thể được sử dụng để bắn cả tàu chiến cũng như xe tăng. Ngoài tốc độ bay khoảng 1.600 km/giờ và tầm bắn khoảng 11 km, Hellfire còn có khả năng xuyên giáp, nên được xem là thứ vũ khí hữu hiệu trong các phi vụ tìm diệt khi đủ sức xuyên thủng xe bọc thép.

R9X Ninja, loại tên lửa Hellfire cải tiến không dùng đầu đạn mà dùng 6 lưỡi dao thép xoay tít lao vào mục tiêu

Ảnh Wikimedia

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, quân đội Mỹ được lệnh phát triển loại tên lửa hạn chế khả năng gây nguy hiểm cho những người xung quanh khi tiến hành các vụ tìm diệt. Từ đó, phiên bản “ninja” của dòng Hellfire ra đời. Tên chính thức là Hellfire R9X, loại tên lửa này không sử dụng đầu đạn nổ mà hoạt động theo dạng đầu đạn động học để tấn công. Kèm theo đó, có 6 lưỡi dao thép bật ra khi tấn công đối tượng.
Với vòng xoay và động lượng cực lớn, 6 lưỡi dao thép này biến Hellfire R9X thành “chiếc máy xay thịt” đủ sức nghiền nát những người ngồi bên trong một chiếc xe hơi, nhưng lại không gây nổ như các tên lửa thông thường để hạn chế gây hại cho người xung quanh.
Hellfire R9X là loại tên lửa được dùng để tấn công giết chết tướng Soleimani.
Kể từ năm 2001 sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11.9 đến nay, Mỹ đã tiến hành hàng ngàn chiến dịch “tìm diệt”. Bên cạnh hình thức triển khai đặc nhiệm đột kích giết chết đối tượng như trong các vụ “tìm diệt” Osama Bin Laden hay al-Baghdadi, Mỹ đang tiến hành vô số phi vụ bằng máy bay không người lái (drone) mang tên lửa Hellfire (tạm dịch “Lửa địa ngục”). Đây chính là phương thức mà Washington tiến hành chiến dịch ngày 3.1 vừa qua, tấn công giết chết tướng Qasem Soleimani.
Trong các chiến dịch tìm diệt bằng drone, Mỹ thường sử dụng Predator hoặc Reaper.
Tạm dịch là “thú ăn thịt”, Predator cũng là tên bộ phim nói về những người ngoài hành tinh với khả năng chiến đấu mạnh mẽ cùng trang bị vũ khí tối tân, nên khá tương xứng với dòng drone vũ trang Predator mà Mỹ đang sử dụng.
Được giới thiệu vào năm 1995, Predator đến nay có hơn 300 chiếc được biên chế trong nhiều cơ quan của Mỹ, đã tham gia vô số chiến dịch trải dài từ xung đột ở vùng Balkans (châu Âu) đến tận vùng Trung Đông, các nước châu Phi. Năm 2002, một thành viên của al-Qaeda là Qaed Salim Sinan al-Harethi đang đi trên xe hơi ở Yemen, thì bị tên lửa Hellfire, được phóng ra từ một chiếc Predator, giết chết.
Dài khoảng 8,2 m và có sải cánh từ 14,8 - 16,8 m tùy phiên bản, Predator có tốc độ tối đa khoảng 217 km/giờ, tốc độ hành trình khoảng 130 km/giờ cùng tầm bay khoảng 1.200 km. Đây có thể là thông số không mấy ấn tượng, nhưng việc Predator trang bị 2 gá mang vũ khí thì các dòng drone khác không dễ gì có được. Với trang bị này, drone “thú ăn thịt” có thể mang từ 2 - 6 tên lửa tùy loại.
Cụ thể, Predator có thể mang theo 2 tên lửa Hellfire - vốn được trang bị khá phổ biến từ các loại tàu chiến cỡ nhỏ, đến máy bay trực thăng chiến đấu lừng danh như Apache, hay các xe chiến đấu trên bộ... Nếu mang theo tên lửa Stinger đối không tầm ngắn, thì “thú ăn thịt” có thể khai hỏa bốn lần. Còn với loại tên lửa tấn công mặt đất Griffin, thì Predator mang được 6 quả. Chính vì thế, Predator sở hữu một sức mạnh chiến đấu đáng gờm, đủ sức tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau.

MQ- Reaper, sát thủ trên không với vũ khí chủ yếu là tên lửa Hellfire (4 quả) và có thể mang thêm 2 quả bom JDAM

Không quân Mỹ

Từ những gì Predator làm được, người Mỹ phát triển thêm dòng drone vũ trang Reaper hay còn có tên Predator B. Về khả năng mang theo vũ khí, Reaper còn vượt trội so với “người tiền nhiệm” khi được trang bị đến 7 gá. Nhờ đó, Reaper có thể mang theo đến 4 tên lửa Hellfire và 2 quả bom GBU-12 Paveway II được dẫn đường bằng laser, hay mang theo cả bom JDAM đa nhiệm tích hợp định vị toàn cầu (GPS). JDAM là loại bom có sức công phá lớn và rất phổ biến trên dòng chiến đấu cơ chủ lực của Mỹ như F-16, F/A-18, F-22, F-35. Với khả năng mang theo vũ khí phong phú như thế, Reaper có khả năng tấn công cực mạnh.
Không những vậy, tốc độ tối đa của Reaper lên đến 480 km/giờ, tốc độ hành trình 313 km/giờ và tầm bay 1.900 km và nếu mang theo tối đa số vũ khí cho phép thì nó vẫn có thể hoạt động đến 14 tiếng ở tốc độ giới hạn. Từ những lợi thế về vũ khí và khả năng hoạt động, Reaper có thể bay chậm trong nhiều giờ để chờ đối tượng xuất hiện rồi tấn công phủ đầu bằng cơ số vũ khí khủng. Đó chính là lý do để Mỹ đặt tên Reaper - tạm dịch “thần chết” - cho dòng drone này.
Vì vậy, “thần chết” và “thú ăn thịt” có thể xem là cặp đôi song sát cho các hoạt động tìm diệt của Mỹ hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.