82% tổng tài sản của thế giới nằm trong tay 1% số người giàu nhất

22/01/2018 10:24 GMT+7

Khoảng cách của giới siêu giàu và phần còn lại của thế giới lại nới rộng hơn nữa trong năm 2017, khẳng định xu hướng một nhóm nhỏ cá nhân tiếp tục nắm giữ ngày càng nhiều hơn tổng tài sản trên toàn cầu.

Khoảng 82% số tài sản sinh sôi trong năm 2017 chảy về túi của 1% số dân thuộc nhóm siêu giàu, trong khi những người nghèo nhất chẳng hưởng được phần tăng nào trong lợi nhuận, báo cáo mới nhất của Oxfam cho biết.
Tổ chức có trụ sở tại Oxford (Anh) chỉ ra rằng số liệu trên cho thấy thế giới đang tồn tại một hệ thống thất bại, mà lỗi thuộc về tình trạng trốn thuế, việc các doanh nghiệp gia tăng ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng chính sách, làm xói mòn quyền lợi của người lao động và cắt giảm chi phí diễn ra trên toàn cầu.
Nếu trong báo cáo hồi năm ngoái Oxfam tính toán được 61 cá nhân giàu nhất thế giới nắm giữa số tài sản của 50% số người nghèo nhất, năm nay con số này giảm còn 42 người.
Tổng giám đốc điều hành Oxfam Mark Goldring gọi đây là tình trạng bất bình đẳng ở mức độ không thể nào chấp nhận được.
Báo cáo trên được công bố vào thời điểm khởi động Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, hội nghị thường niên thu hút nhiều lãnh đạo chính trị lẫn kinh tế trên toàn cầu.
Tuy nhiên, phương pháp tính toán của Oxfam gây tranh cãi trong số nhà kinh tế hàng đầu thế giới, theo Reuters.
Chuyên gia Sam Dumitriu của Viện Adam Smith (Anh) cho rằng báo cáo trên quá chú ý vào giới siêu giàu mà quên “nhấn mạnh một điểm quan trọng: chúng ta cần quan tâm đến phúc lợi của người nghèo chứ không phải tìm hiểu người giàu có tiền đến thế nào”.
“Trong lúc Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam theo đuổi xu hướng cải cách mới nhấn mạnh vào quyền sở hữu tài sản, giảm bớt các quy tắc và gia tăng năng lực cạnh tranh, thu nhập của những người nghèo nhất thế giới tăng đáng kể cho phép sự phân phối tài sản trên toàn cầu theo hướng cân bằng hơn”, theo chuyên gia trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.