Afghanistan trong cơn biến động lịch sử

17/08/2021 07:00 GMT+7

Lực lượng Taliban hôm qua chính thức tiếp quản thủ đô Kabul, trong khi các nước phương Tây vội vã sơ tán công dân khỏi Afghanistan.

“Chiến tranh kết thúc”

Phát biểu tại phủ tổng thống ở thủ đô Kabul hôm qua, người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban, ông Mohammad Naeem tuyên bố “chiến tranh đã kết thúc, Taliban đã đạt được mục tiêu tự do, độc lập cho đất nước và nhân dân”, theo Đài Al-Jazeera.

Taliban tuyên bố chiến tranh kết thúc, chiếm phủ tổng thống Afghanistan

Đường phố Kabul sáng qua trở nên yên ắng, trong khi các thành viên Taliban tuần tra kiểm soát khắp nơi. Giới chỉ huy Taliban đã ra lệnh cho các thành viên đảm bảo hoạt động hằng ngày diễn ra bình thường và không đe dọa người dân, những người của chính quyền cũ cũng như người nước ngoài. Phía Taliban được cho là đang đợi tình hình ổn định và lực lượng nước ngoài rút đi hoàn toàn trước khi công bố mô hình thể chế mới. Người phát ngôn Naeem hôm qua cho biết Taliban không muốn bị cô lập mà chỉ muốn thiết lập quan hệ với cộng đồng quốc tế. Mặt khác, ông cam kết sẽ không cho phép bất kỳ ai sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để tấn công nước khác.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, một người phát ngôn khác của Taliban là Sohail Shaheen tuyên bố chính phủ mới sẽ bao gồm cả những người Afghanistan không thuộc lực lượng này. Trước đó, Taliban tuyên bố sẽ tái lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan “tuân thủ luật pháp, chan hòa trong nước và cởi mở với bên ngoài”. Quyền của phụ nữ sẽ được đảm bảo “nhưng cũng phải phù hợp với luật Hồi giáo”.

Cuộc tháo chạy khỏi Kabul

Trái ngược với diễn biến tại đường phố Kabul, tình hình tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô trở nên hỗn loạn khi chiến dịch sơ tán quy mô lớn đang gấp rút diễn ra.

Hình ảnh hỗn loạn, thảm khốc khi người Afghanistan tìm đường di tản tại sân bay Kabul

Quân đội Mỹ thông báo ngừng mọi chuyến bay thương mại và tiếp quản quyền kiểm soát không lưu. Hầu hết các nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán các nước đều đã chuyển về sân bay đợi sơ tán. Các nước khác cũng điều thêm máy bay quân sự đến Kabul để đưa công dân về nước. Nga và Trung Quốc nằm trong số ít nước chưa đóng cửa sứ quán ở Afghanistan.
Trong khi đó, nhiều người Afghanistan đổ về đây với hy vọng có cơ hội thoát khỏi đất nước. Những đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy cảnh đám đông tràn xuống bãi đậu máy bay, nhiều người cố leo lên máy bay trong khi lực lượng an ninh Mỹ nổ súng chỉ thiên để giữ trật tự. Ít nhất 5 người thiệt mạng nhưng không rõ do trúng đạn hay bị giẫm đạp, theo Reuters dẫn lời các nhân chứng. Cục Hàng không dân dụng Afghanistan hôm qua cảnh báo không phận Kabul đã được mở cho hoạt động quân sự và khuyến cáo các hãng hàng không đổi đường bay.
Trong một tuyên bố chung, hơn 65 nước kêu gọi các bên liên quan tại Afghanistan tôn trọng và tạo điều kiện cho công dân nước ngoài lẫn người dân Afghanistan được rời khỏi nước này theo ý muốn, kèm theo lời cảnh báo hậu quả nếu không tuân thủ. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cùng ngày bày tỏ lo ngại về tình hình, đồng thời kêu gọi Taliban cùng các bên khác hết sức kiềm chế để bảo vệ nhân mạng và cho phép tiếp cận nhân đạo.

Tranh cãi trong nội bộ Mỹ

Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền và quân đội Afghanistan khiến giới lãnh đạo Mỹ bị bất ngờ.

Cuộc chiến Afghanistan qua những con số tổn thất

Cho đến tuần trước, Tổng thống Joe Biden còn hy vọng các lực lượng Afghanistan có thể trụ vững trong khi các quan chức tại Washington cũng nói không có mối đe dọa cận kề nào đối với Kabul. Tuy nhiên, ở hậu trường, một số thành viên chính quyền ông Biden cảnh báo quân đội Afghanistan “đang vỡ vụn” dù được phương Tây đầu tư và trang bị trong nhiều năm qua. Trả lời phỏng vấn CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận sự sụp đổ của lực lượng quốc gia Afghanistan là “nhanh hơn dự tính”.
Giới nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là phía đảng Cộng hòa, đang gia tăng chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden, gọi hình ảnh sơ tán là “nỗi hổ thẹn” và sẽ để lại hậu quả trong nhiều chục năm sau. Đến hôm qua, Tổng thống Biden vẫn đang trong kỳ nghỉ tại Trại David ở bang Maryland và dự họp trực tuyến với đội ngũ cố vấn. Nhà lãnh đạo được cho là sẽ sớm phát biểu trước toàn dân Mỹ về tình hình Afghanistan trong vài ngày tới.
Cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố người kế nhiệm nên từ chức vì điều đã làm tại Afghanistan, gọi đây là một trong những thất bại nặng nề nhất trong lịch sử Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden đã không răn đe Taliban hiệu quả và cảnh báo về sự trỗi dậy của các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay al-Qaeda. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley báo cáo với các nghị sĩ rằng sẽ điều chỉnh đánh giá về tốc độ tập hợp trở lại của các nhóm vũ trang, dựa trên diễn biến tình hình.

Nga nói Tổng thống Ghani ra đi với xe chở đầy tiền khi Taliban chiếm thủ đô Afghanistan

Đáp lại những chỉ trích, Tổng thống Biden cho rằng chính thỏa thuận hòa bình của chính quyền tiền nhiệm đã giúp Taliban có được vị thế mạnh nhất trong 20 năm. Nhà lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm rút quân khỏi Afghanistan và “sẽ không để cuộc chiến này kéo dài đến đời tổng thống tiếp theo”.
Tổng thống Ashraf Ghani đang ở đâu ?
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi nước này hôm 15.8. Trong thông báo hôm qua, nhà lãnh đạo 72 tuổi tuyên bố ông ra đi để ngăn chặn đổ máu. Ông Ghani thừa nhận Taliban đã “chiến thắng bằng gươm và súng” và giờ có trách nhiệm đối với nhân dân. Ông Ghani là học giả từng có nhiều năm nghiên cứu và làm việc tại phương Tây. Ông trở về tham gia chính quyền sau khi Taliban bị lật đổ năm 2001 rồi đắc cử tổng thống năm 2014.
Trong thời gian tại vị, ông Ghani đã đưa ra một số cải cách nhưng cũng bị đánh giá là thiếu kết nối với cộng sự và đồng minh, theo AFP. Ông bị cho ra rìa khi Mỹ thỏa thuận với Taliban hồi năm 2020. Một số nguồn tin cho rằng ông Ghani đã sang Tajikistan, nhưng Đài Al-Jazeera dẫn lời cận vệ của ông Ghani cho biết ông đã đến Uzbekistan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.