Giữ vững tinh thần
Chị Đỗ Hoài Tú, người Việt đang sống và làm việc tại thủ đô Manila của Philippines, chia sẻ với Thanh Niên rằng hàng xóm chị mắc Covid-19 từ tháng 5 đến nay nên chị ý thức rõ việc theo dõi sức khỏe. Tính chất công việc buộc chị Tú thường xuyên phải ra ngoài nhưng chị đã thích nghi bằng cách cố tránh nơi đông người, khử khuẩn và tắm ngay khi về nhà. Chị Tú đã được tiêm 1 mũi vắc xin vào đầu tháng 7.
Chị Hồ Thị Thanh Tâm, đang học thạc sĩ ngành thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan cũng nêu cao tinh thần chăm sóc bản thân tốt hơn trong đại dịch. Vào tháng 5, chị phải tự cách ly 2 tuần do tiếp xúc với người bệnh. “Lúc đó mình lo lắm vì đang sống xa nhà, nhưng phải cố gắng giữ vững tinh thần. Mình đã vạch ra vài thực đơn tăng cường sức đề kháng, duy trì tập yoga và thiền”, chị Tâm kể. Chị cũng lập ra trang chia sẻ kiến thức giúp mọi người sống khỏe trên cơ sở khoa học. Hiện chị Tâm đã được tiêm 2 liều vắc xin miễn phí, mua thêm bảo hiểm Covid-19 và chuẩn bị cho các kịch bản có thể xảy ra.
|
Anh Trần Thiện Nhân, đang theo học thạc sĩ tại Đại học Padjadjaran ở thành phố Bandung trên đảo Java của Indonesia, cho biết xung quanh khu nhà anh đã có hơn 10 người tử vong vì Covid-19. Người bệnh nhẹ tự ở nhà cách ly, chữa trị và Indonesia cũng không đưa ra thông tin cụ thể của ca nhiễm. “Điều này làm mình rất hoang mang vì không biết nên đi nơi đâu, tránh nơi nào. Cảm giác xung quanh toàn là nguy cơ”, anh nói với Thanh Niên. Du học sinh này cho biết lệnh phong tỏa khiến anh phải hoãn lại một số kế hoạch, cũng không thể dạy thêm, làm phiên dịch, tham gia sự kiện. Anh Nhân cũng đang có kế hoạch tiêm vắc xin vào tháng này.
|
Đùm bọc lẫn nhau
Sống ở Manila, chị Lê Đan Phương cho hay chung cư chị ở mỗi ngày có 20 - 30 ca nhiễm mới. Chị Phương hiện không thể đi làm do dịch bệnh. “Chi phí sinh hoạt ở đây rất cao. Mình phải lo tiền ăn, tiền nhà trong khi không đi làm”, chị Phương tâm sự. Khó khăn đủ bề, nhưng chị vẫn nhắn gửi: “Nhiều người Philippines vô gia cư còn khổ hơn mình. Mình có bạn bè, có cộng đồng người Việt ở đây. Người Việt hết mình hỗ trợ nhau”. Chị cho biết người Việt tại Manila vẫn tìm ra cách để có thu nhập trong đại dịch như tự nấu ăn rồi bán cho nhau. Ngoài ra, cộng đồng người Việt còn lập ra các nhóm từ thiện, quyên góp cho những người Philippines gặp khó khăn. Các hoạt động trên được hưởng ứng rất nhiệt tình.
|
|
Trong khi đó, ở Bali (Indonesia), cộng đồng người Việt đã được tiêm vắc xin miễn phí nhờ sự hỗ trợ của chị Nguyễn Lê Thị Túy Hạnh, doanh nhân sinh sống ở Indonesia từ năm 2003. Chị Hạnh đã liên hệ chính quyền Bali để làm thủ tục cho bà con đi tiêm. “Bali yêu cầu phải có thư từ đại sứ quán thì mới đăng ký được. Tôi đã được đại sứ quán hỗ trợ ngay sau khi liên hệ”, chị Hạnh cho biết.
Chị Hạnh kể trong giáo xứ đã có người tử vong vì Covid-19 nhưng toàn bộ gia đình nạn nhân không thể dự đám tang vì họ cũng đang nhiễm bệnh. “Ban đầu, mình cảm giác Covid-19 ở xa lắm. Giờ chứng kiến người quen biết bị ảnh hưởng, mình rất lo lắng”, chị tâm sự với Thanh Niên. Dù vậy, chị Hạnh vẫn đang cố gắng hỗ trợ cho những người xung quanh theo tinh thần “giúp được ai thì giúp”. Chị cũng cho biết cộng đồng người Việt ở Bali đang chuẩn bị tặng nhu yếu phẩm cho dân địa phương mất việc làm do đại dịch trong tháng tới. “Người Việt ở Bali vẫn trụ được nhưng dân địa phương thì khó khăn lắm vì họ chủ yếu làm ngành dịch vụ”, chị Hạnh nói thêm.
Hướng về quê hương
Anh Đặng Hoàng Minh, du học sinh Việt tại Khoa Y của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok (Thái Lan), cho biết: “Cộng đồng người Việt ở Thái Lan dù gặp nhiều trở ngại vì Covid-19 nhưng vẫn luôn hướng về quê hương. Ngày 11.7 vừa qua, cộng đồng người Việt ở Thái Lan gửi hơn 1 tỉ đồng cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ VN qua Đại sứ quán VN tại Thái Lan. Ngoài ra, Hội Sinh viên VN tại Thái Lan, đại sứ quán và các hội nhóm khác rất đùm bọc, hỗ trợ đồng bào tại Thái Lan”. Du học sinh này cũng mong bà con trong nước bình tĩnh thực hiện đúng chỉ thị của Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế để cùng nhau vượt qua đại dịch.
|
Bình luận (0)