Sứ mệnh của Chandrayaan-1
Theo kế hoạch, tàu thăm dò Mặt trăng không người lái Chandrayaan-1 (Chandrayaan theo tiếng Phạn có nghĩa là "con tàu mặt trăng") được phóng lên không từ Trung tâm không gian Satish Dhawan trên đảo Sriharikota, miền đông nam nước này, vào lúc 6 giờ 20 sáng nay (giờ địa phương). Chiếc tàu nặng 1.380 kg sẽ được đưa lên không gian bằng tên lửa Polar Satellite Launch Vehicle-C11 do Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ chế tạo, có chiều cao 44,4m và nặng 316 tấn.
Theo báo Guardian, nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, tàu Chandrayaan-1 sẽ vào quỹ đạo cách bề mặt Mặt trăng 100 km vào ngày 8.11 và bắt đầu sứ mệnh kéo dài 2 năm bao gồm vẽ bản đồ Mặt trăng 3 chiều, khảo sát tài nguyên khoáng chất và sự hiện diện của nước trên bề mặt Mặt trăng. Tàu Chandrayaan-1 cũng sẽ mang trên mình 11 thiết bị thăm dò, trong đó có các thiết bị "ký gửi" của Mỹ, Thụy Điển, Đức, Anh và Bulgaria. Đây cũng là tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên có số thiết bị mang theo đáng kể nhất tính đến nay. Dự kiến cờ Ấn Độ sẽ được cắm trên bề mặt Mặt trăng khi bình minh ló dạng ở quốc gia Nam Á này vào ngày 11.11 tới.
Một trong những mục tiêu khi Chandrayaan-1 đến Mặt trăng là xem xét khả năng khai thác chất helium 3, một loại nhiên liệu quan trọng đối với phản ứng nhiệt hạch (một cách tạo ra năng lượng). Dù hiện nay điện nhiệt hạch không có tính cạnh tranh thương mại cao, nhưng các nhà khoa học cho rằng một ngày nào đó, khi điện nhiệt hạch cải thiện khả năng cạnh tranh, thì nguồn cung helium 3 sẽ là vấn đề lớn. Trái đất được cho là chỉ có khoảng 15 tấn helium 3, trong khi Mặt trăng có đến 5 triệu tấn chất này. Theo Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ, số helium trên Mặt trăng đủ để sản xuất năng lượng trong 8.000 năm.
Tham vọng của người Ấn
Sau Chandrayaan-1, chuyến thăm dò Mặt trăng không người lái thứ hai của Ấn Độ với tàu Chandrayaan-2 dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2011. |
Chương trình không gian của Ấn Độ bắt đầu vào năm 1962, khi Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ được thành lập. Mười ba năm sau đó, Ấn Độ phóng vệ tinh thám hiểm không gian đầu tiên có tên gọi Arybhatta. Theo hãng tin Bloomberg, chương trình vệ tinh của nước này, được thành lập vào năm 1983, bao gồm 21 tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo, 11 chiếc trong số này đang được sử dụng. Ngoài ra, Ấn Độ còn có 8 vệ tinh cảm biến có khả năng nhận ra vật thể cách nhau từ 1m đến 180m. Chúng được sử dụng để theo dõi thời tiết. Chính phủ Ấn Độ tháng trước đã phê chuẩn việc chế tạo tàu Chandrayaan-2 trong một dự án hợp tác với Cơ quan Không gian Nga, với chi phí khoảng 87 triệu USD. Nga là đối tác chính của Ấn Độ trong các chương trình về không gian và đã cung cấp công nghệ chế tạo cũng như thiết kế cho Ấn Độ.
Sứ mệnh trị giá 80 triệu USD với tàu Chandrayaan-1 đã đặt Ấn Độ vào cuộc chạy đua không gian đang tăng tốc ở châu Á. Ngoài việc giành phần trên thị trường phóng vệ tinh hiện đang trở nên "béo bở", Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc cũng xem các chương trình không gian của mình là một biểu tượng cho vị thế quốc tế và sự tăng trưởng kinh tế của mình. Việc phóng Chandrayaan-1 của Ấn Độ diễn ra gần một tháng sau khi Trung Quốc thực hiện cuộc đi bộ trong không gian đầu tiên của nước này. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có những tham vọng không nhỏ, trong đó đáng kể nhất là dự định phóng tàu thăm dò Mặt trăng có người lái vào năm 2020, sớm hơn 4 năm so với thời gian mục tiêu của Trung Quốc. Trong bảng xếp hạng do hãng tư vấn công nghệ cao Futron đưa ra hồi đầu năm nay, Ấn Độ bám sát nút Trung Quốc về khả năng cạnh tranh trong không gian và bỏ xa các nước Nhật Bản, Israel và Canada. Hiện ngân sách hằng năm dành cho các chương trình không gian của Ấn Độ ở vào khoảng 1 tỉ USD, chưa bằng 1/10 so với ngân sách của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ.
Những ẩn ý về an ninh
Ngoài khía cạnh thương mại, sự tăng tốc chạy đua chinh phục không gian ở châu Á còn có những ẩn ý về an ninh, mà cụ thể là khả năng phát triển các ứng dụng quân sự như thu thập thông tin tình báo và các loại vũ khí trên không gian. Đầu năm nay, Nhật Bản đã bãi bỏ lệnh cấm sử dụng không gian vào mục đích quân sự, vốn đã tồn tại từ nhiều chục năm qua, để mở đường cho việc chế tạo các vệ tinh do thám thế hệ mới. Hàn Quốc, quốc gia đi sau trong cuộc đua không gian, đã phóng 3 vệ tinh thương mại kể từ năm 1965 và phóng vệ tinh thông tin liên lạc quân sự đầu tiên hồi năm 2006.
Về phần Ấn Độ, hồi đầu năm nay, Tổng tham mưu trưởng quân đội của nước này đã lên tiếng kêu gọi đẩy mạnh chương trình quân sự trên không gian nhằm đối phó với mối đe dọa từ các quốc gia láng giềng. Có lẽ vì lo ngại nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian nên một số người ở Ấn Độ đã phản đối việc nước này tiêu tốn tiền của vào chương trình không gian, dù rằng theo ước tính của Viện Nghiên cứu phát triển Madras, cứ mỗi rupee bỏ vào chương trình này thì sẽ tạo ra đến 2 rupee lợi ích, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Trùng Quang
Bình luận (0)