Theo tờ The Economic Times, Ấn Độ đang thảo luận mua các xe tăng hạng nhẹ Sprut vốn được trang bị chủ yếu cho lực lượng đổ bộ đường không của của Nga vì phù hợp với địa hình đồi núi dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC) tại khu vực biên giới với Trung Quốc.
Ấn Độ đang tìm cách mua khẩn cấp các xe tăng thông qua quy trình liên chính phủ, trong bối cảnh Trung Quốc đã điều động các xe tăng hạng nhẹ Type 15 đến khu vực biên giới. Quy trình mua được khởi động từ cuối tháng 7.
Dòng xe tăng Sprut SDM1, biến thể của tăng 2S25 Sprut-SD, đang được thử nghiệm tại Nga, nhưng một số nguồn tin cho hay nó có thể được thử nghiệm thực địa tại Ấn Độ trước khi hợp đồng được chốt.
Tại LAC, các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đang ở trong tầm bắn của nhau. Do đó, Ấn Độ đang mua khẩn cấp 24 xe tăng. Sprut SDM1 là dòng xe tăng hạng nhẹ, có thể được chuyên chở bằng máy bay cùng các binh sĩ bên trong, và có nhiều điểm tương đồng với các xe tăng T-72 và T-90 của quân đội Ấn Độ.
Ngoài lái xe, Sprut SDM1 có tháp pháo dành cho 2 người, được trang bị pháo 2A75 loại 125 mm với khả năng nạp đạn tự động, đảm bảo khai hỏa 6-8 phát/phút, loại pháo này được phát triển từ pháo chống tăng 2A46 trang bị trên nhiều xe tăng chiến đấu của Nga.
Xe nặng khoảng 18 tấn, tương đương với các xe chiến đấu bộ binh, và có khoảng sáng gầm thay đổi từ 190-590 mm. Dòng xe tăng này có thể đạt tốc độ lên đến 71 km/giờ trên đường bằng phẳng, và từ 45-50 km/giờ trên địa hình hiểm trở.
Ấn Độ có lực lượng xe tăng hùng hậu, nhưng tất cả đều là các xe tăng chiến đấu chính như T-72, T-90 sản xuất tại Nga và mẫu xe tăng nội địa Arjun. Các dòng xe này đều là hạng nặng, thích hợp hơn ở đồng bằng, dù một số được điều động đến khu vực biên giới trên dãy Himalaya.
Ấn Độ từng sử dụng xe tăng hạng nhẹ trong các chiến dịch ở Kashmir vào năm 1947-1948 cũng như chiến tranh biên giới năm 1962 với Trung Quốc, nhưng những xe này dần dần được loại biên.
Bình luận (0)