Ấn Độ ra luật cấm đẻ thuê, phạt 10 năm tù nếu vi phạm

25/08/2016 16:24 GMT+7

Chính phủ Ấn Độ ngày 24.8 đã thông qua dự luật cấm dịch vụ đẻ thuê vì mục đích thương mại, một hoạt động đang rất sôi động ở nước này, Indian Express cho hay ngày 25.8.

Các hoạt động sinh con hộ đều bị cấm ngoại trừ những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh cưới nhau hơn 5 năm, nhưng người mang thai hộ phải là người thân quen đã từng có con. Nếu vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt tù ít nhất là 10 năm và phạt tiền hơn 22.000 USD.
Tuy nhiên, dự luật mà nội các chính phủ vừa chấp thuận phải được quốc hội nước này thông qua. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nói rằng mục đích của dự luật là nhằm bảo vệ những phụ nữ nghèo khổ khỏi sự “bóc lột” của dịch vụ đẻ thuê. Nhiều trường hợp khách hàng từ chối nhận vì không hài lòng với đứa trẻ được sinh ra, đổ thêm gánh nặng cho những phụ nữ nghèo khổ. 
"Đây là một dự luật toàn diện. Những cặp vợ chồng không có con có thể nhờ sự giúp đỡ từ người thân”, Ngoại trưởng Swaraj nói với các phóng viên sau cuộc họp nội các và cho biết dự luật nhắm đến các cặp vợ chồng nước ngoài, bố mẹ đơn thân hay đồng tính, theo AFP.
Nhờ giá rẻ, tay nghề bác sĩ cao và chưa có luật cấm nên hoạt động đẻ thuê phát triển mạnh ở Ấn Độ với sự hình thành của gần 2.000 trung tâm cung cấp dịch vụ trên khắp cả nước, thu hút nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn và vô sinh từ khắp nơi trên thế giới.
Một em bé bị hội chứng Down bị bố mẹ từ chối nhận, ở Thái Lan AFP
Số liệu từ chính phủ Ấn Độ cho biết mỗi năm có khoảng 2.000 cặp vợ chồng thuê tử cung của phụ nữ Ấn Độ nhờ mang thai hộ.
Hoạt động đẻ mướn bắt đầu từ năm 2002 được cho tạo ra 500 triệu đến 2,3 tỉ USD doanh thu mỗi năm cho Ấn Độ. Mỗi ca thuê tử cung tốn khoảng 20.000-30.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với ở Mỹ, một trong những quốc gia cho phép đẻ thuê vì mục đích thương mại.
Nhiều nước ban hành luật cấm sinh hộ vì mục đích thương mại. Thái Lan, một trong những quốc gia ở Đông Nam Á nổi tiếng với dịch vụ cho thuê tử cung, hồi năm 2015 cũng đã ban hành luật cấm này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.