Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã bổ sung một cái tên mới vào danh sách tấn công: ứng viên độc lập Evan McMullin, người đang có triển vọng giành chiến thắng ở một trong các tiểu bang ủng hộ phe Cộng hòa (GOP) là Utah, và từ đó “chôn vùi” giấc mơ làm chủ Nhà Trắng của ông Trump.
Ứng viên “thọc gậy bánh xe”
Một điều chắc chắn là ứng viên độc lập Evan McMullin, 40 tuổi, chưa từng chạy đua vào bất cứ vị trí nào trên chính trường, cho đến khi ông quyết định tranh cử cho chiếc ghế quyền lực nhất nước. Ý định táo bạo và đột ngột này đã xuất hiện với mục đích duy nhất: mang lại một sự lựa chọn khác ngoài tỉ phú Trump cho giới cử tri bảo thủ của Mỹ. McMullin chỉ đăng ký tham gia tranh cử ở 11 tiểu bang thay vì trên toàn quốc như các ứng viên khác, đồng nghĩa với việc ông này không hề có cơ may trở thành tổng thống, nhưng giới quan sát và phân tích nhận định cựu đặc vụ của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có thể giành được chiến thắng ở bang Utah trong vài ngày nữa, chưa kể đến triển vọng sáng sủa tại Idaho và Wyoming.
Bất ngờ trên đường đua vào Nhà Trắng này bắt đầu xuất hiện từ tháng 8, khi McMullin công bố tham vọng trở thành tổng thống Mỹ. Chỉ trong vòng vài tuần, tiếng tăm của cựu đặc vụ CIA đã lan tỏa khắp tiểu bang nhà của ông là Utah, nơi đa số mọi người đều có cùng tôn giáo Mormon với ông và bất bình đối với ông Trump. Đối với nhiều cử tri, cái tên McMullin tượng trưng cho một luồng gió mới của phe bảo thủ, mang đầy lý tưởng tốt đẹp muốn cống hiến cho một nước Mỹ mạnh mẽ hơn. Ông chỉ trích tỉ phú Trump là kẻ phân biệt chủng tộc, chuyên sử dụng những bài phát biểu khoa trương, chỉ biết dựa vào niềm tin mù quáng để thu hút phiếu bầu, và trên hết là “tội đồ” phá hoại mọi lý tưởng của GOP.
Việc McMullin soán ngôi Trump ở Utah sẽ ảnh hưởng đáng kể đến Trump bởi bang này có truyền thống ủng hộ GOP trong nhiều thập niên qua, các ứng viên của họ luôn giành chiến thắng ở Utah kể từ năm 1964. Nếu để mất Utah, Trump sẽ càng thất thế trong cuộc chạy đua với đối thủ chính là ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ. Vì thế, mặc dù khi dể McMullin là kẻ “vô danh tiểu tốt”, nhưng vào cuối tuần qua, cặp bài trùng Trump - Pence đã bắt đầu tuyên chiến với ứng viên này. “Nếu họ không tìm cách can thiệp mà cứ để nhân vật này chạy lăng quăng khắp tiểu bang, để rồi chúng ta mất đi Utah, thì đó sẽ là thảm họa thực sự”, tờ USA Today dẫn lời ông Trump. Ngay cả ứng viên liên danh cho vị trí phó tổng thống Mike Pence cũng lên tiếng: “Chẳng ai từng nghe đến tay ấy”.
Thế nhưng, McMullin cũng không vừa, ông lập tức đáp trả trên Twitter: “Vâng, ông ta (chỉ Trump) chưa từng nghe đến tôi bởi vì trong lúc ông bận rộn quấy rối phụ nữ trong các cuộc thi sắc đẹp, tôi đang chiến đấu chống khủng bố ở nước ngoài”. Trong một dòng tweet khác, McMullin chỉ trích: “Ông là kẻ độc tài, một kẻ tự tung tự tác sống lâu lên lão làng mà không hề tôn trọng sự sống, tự do và quyền bình đẳng”.
Đặc vụ tài ba
Một nhân vật có thể đe dọa đến chiến thắng của GOP hẳn nhiên phải thu hút sự chú ý của báo giới Mỹ. Và sau thời gian tìm hiểu và điều tra, tờ The Washington Post đã đăng một bài viết làm rõ hơn về nhân vật “từ trên trời rơi xuống” này, dựa trên thông tin phỏng vấn với 6 quan chức CIA từng làm việc với McMullin trong 10 năm phục vụ cho cơ quan tình báo Mỹ. Tờ báo không ngần ngại dành những lời hoa mỹ cho McMullin, một đặc vụ được xác nhận từng xung phong đến những nơi nguy hiểm nhất của thế giới và có năng lực tuyển mộ các thành viên của những tổ chức khủng bố cực đoan làm người đưa tin cho mình.
Theo The Washington Post, McMullin gia nhập CIA trong khi đang là sinh viên đại học của Trường Brigham Young. Quá trình huấn luyện của McMullin được tăng tốc sau vụ 11.9.2001, và nhiệm vụ đầu tiên của ông là tại một quốc gia Đông Nam Á nơi Mỹ triển khai cuộc chiến mới chống khủng bố. Trong khi những chi tiết cụ thể về các nhiệm vụ của McMullin được giấu kín, cấp trên của ông cho hay các mục tiêu thu thập thông tin tình báo lúc đó bao gồm dữ liệu liên quan đến Taliban, mở rộng mạng lưới gián điệp nhằm diệt trừ khủng bố và thu thập tin tức về những chỉ huy cộm cán của al-Qaeda, bao gồm Osama bin Laden.
Những nhiệm vụ sau cùng của ông McMullin là ẩn mặt tại Iraq làm điệp viên nằm vùng, thu thập tin tức tình báo về chi nhánh al-Qaeda mà sau này phát triển thành tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Kevin Hulbert, cựu quan chức cấp cao của CIA, đánh giá cao về phẩm chất và năng lực thu thập tình báo của ông McMullin. Thậm chí tướng về hưu Michael Hayden, từng đảm nhiệm vị trí giám đốc CIA trong 3 năm đặc vụ McMullin được cài cắm tại Iraq, đã xác nhận về công cán của ứng viên tổng thống Mỹ trong lúc còn phục vụ cho cơ quan tình báo. “Anh ta hoàn toàn nói thật”, theo tướng Hayden.
Sau nhiệm vụ cuối cùng vào năm 2010, McMullin rời khỏi CIA, tham gia Trường Kinh doanh Wharton và làm việc cho Tập đoàn Goldman Sachs, trước khi đầu quân cho GOP. Trước tháng 8 năm nay, ông McMullin vẫn là giám đốc chính sách cho Hội Cộng hòa tại Hạ viện. Bất bình trước thái độ của giới lãnh đạo GOP, ông từ chức và tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Chiến dịch của ông diễn ra khá trôi chảy và thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong nước, nhưng phải đợi đến khi các kết quả khảo sát trong tháng 10 cho thấy cựu đặc vụ CIA hiện ngang tài ngang sức với các ứng viên chính thức là Trump và Hillary Clinton tại Utah, thế giới mới biết đến sự tồn tại của ứng viên trên.
Giám đốc FBI bị tố phạm luật
Chỉ hơn một tuần nữa là đến ngày tổng tuyển cử trên toàn quốc nhưng ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton buộc phải đối phó với một “bất ngờ tháng 10” sau khi FBI phát hiện những email mới trên laptop của một trợ lý cũ. Theo Reuters, Giám đốc FBI James Comey đã quyết định mở lại cuộc điều tra nhằm xác định liệu số email vừa tìm được có liên quan đến hành động tắc trách của bà Clinton khi dùng hòm thư điện tử cá nhân để giải quyết công vụ khi còn làm ngoại trưởng từ 2009 - 2013. Tuy nhiên, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Harry Reid lập tức cảnh báo ông Comey có thể đã phạm luật khi quyết định xin trát tòa để kiểm tra các email. “Văn phòng của tôi cho rằng những hành động trên có thể vi phạm điều luật cấm các quan chức FBI sử dụng quyền hạn của mình với mưu đồ tác động đến cuộc tranh cử tổng thống”, theo thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Reid.
|
Bình luận (0)