Áp lực lớn thách thức giới hạn đập Tam Hiệp

29/06/2020 09:15 GMT+7

Đập thủy điện lớn nhất thế giới đang chịu áp lực lớn khi phải chống chọi với đợt lũ dữ dội bất thường tại Trung Quốc trong năm nay.

Dự án quan trọng

Đập Tam Hiệp được xây dựng trên sông Dương Tử đoạn chảy qua TT.Tam Đẩu Bình, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) với 3 mục đích chính là sản xuất điện, kiểm soát lũ và hỗ trợ giao thông đường thủy. Dự án khởi công vào năm 1994 gây nhiều tranh cãi với những tác động đến môi trường và khiến hàng triệu người phải di dời tái định cư. Năm 2012, con đập trị giá 26 tỉ USD cao 185 m, dài 2.335 m chính thức hoạt động đầy đủ công suất và được coi là thành tựu lớn của Trung Quốc.
Sông Dương Tử dài khoảng 6.300 km, bắt nguồn từ khu vực Tam Giang Nguyên ở cao nguyên Tây Tạng và đổ ra biển Hoa Đông. Tam Giang Nguyên còn là nơi bắt nguồn của 2 con sông lớn khác là sông Hoàng Hà và sông Lan Thương (thượng nguồn sông Mê Kông), theo CGTN. Tuy có chung nguồn nhưng sông Dương Tử và sông Mê Kông hoàn toàn tách biệt và không hợp lưu với nhau.
Đập Tam Hiệp được cho là giúp ngăn ngừa mối đe dọa lũ lụt cho người dân ở lưu vực sông Dương Tử và hàng triệu héc ta đất canh tác nông nghiệp ở đồng bằng Giang Hán, theo CNN. Con đập còn là “máy phát điện” với công suất 22,5 MW và có thể tạo ra sản lượng điện khoảng 88 tỉ kWh mỗi năm.

Mưa lũ lớn bất thường ở Trung Quốc, đập Tam Hiệp có an toàn?

Mặt khác, dự án đập Tam Hiệp nằm trên tuyến đường thủy quan trọng, kết nối hàng loạt thành phố lớn như Trùng Khánh, Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải. Dự án sau khi hoàn thành giúp tàu thuyền đi qua khu vực an toàn hơn. Tàu thuyền lớn từ TP.Thượng Hải ở bờ biển Hoa Đông có thể di chuyển hơn 2.000 km để đến Trùng Khánh. Năm 2015, thang nâng lớn nhất thế giới được đưa vào vận hành tại đập Tam Hiệp, giúp đưa tàu nặng đến 3.000 tấn đi qua con đập để tiếp tục hành trình trên sông Dương Tử. Bên cạnh đó, con đập còn có hệ thống âu tàu giúp đưa tàu thuyền lên đến 10.000 tấn đi qua đập.

Áp lực trong mùa lũ

Từ đầu tháng 6, Trung Quốc bước vào mùa mưa lũ hằng năm nhưng có cường độ bất thường với cảnh báo mưa bão được ban hành liên tục 26 ngày, theo Tân Hoa xã. Từ đầu tháng, mực nước của 197 con sông đã vượt mức cảnh báo, trong đó có nhiều con sông ở thượng nguồn đập Tam Hiệp.

Đầu tư phòng thủ khủng ở đập Tam Hiệp

Áp lực lớn thách thức giới hạn đập Tam Hiệp

Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tuần tra tại đập Tam Hiệp

Ảnh: Reuters

Đập Tam Hiệp có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia Trung Quốc và là mục tiêu có thể bị tấn công trong trường hợp chiến tranh. Phá hủy đập Tam Hiệp được cho là chủ đề được bàn bạc từ lâu trong chính quyền Đài Loan nhằm ngăn ngừa Trung Quốc dùng vũ lực để thống nhất Đài Bắc. Truyền thông Trung Quốc cho rằng đập Tam Hiệp là đập bê tông cốt thép trọng lực có thể ngăn được những trận lũ “ngàn năm có một”, thậm chí có thể chống chịu trước tác động từ một vụ tấn công hạt nhân cấp độ thấp. Tuy nhiên theo trang Asia Times, quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm và còn thiết lập vùng cấm bay quanh khu vực đập Tam Hiệp để phòng thủ. Con đập được một đơn vị cảnh sát vũ trang canh gác và quân đội còn triển khai trực thăng, tàu tuần tra, xe bọc thép và lực lượng gỡ bom gần đó. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thường xuyên thực hiện nhiều cuộc tập trận chống khủng bố trong khu vực, giả định ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tàu chứa chất nổ.
Hôm 8.6, mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp được xả xuống còn 145 m để “chừa chỗ” cho mùa lũ đang tới, nhưng đến ngày 19.6 mực nước đo được là 147 m, cao hơn 2 m so với mức cảnh báo lũ trong khi lượng nước dồn về con đập tăng lên so với ngày trước đó. Khu vực sông Dương Tử đoạn chảy qua TP.Trùng Khánh, thượng nguồn của đập Tam Hiệp, đang trải qua đợt lũ lụt lớn nhất trong 80 năm qua, buộc nhà chức trách phải phát cảnh báo lũ mức cao nhất và sơ tán hơn 40.000 người.
Tình hình khiến dư luận hết sức lo ngại trong khi một số chuyên gia đã đề cập khả năng chống lũ của đập Tam Hiệp và hối thúc chính quyền chuẩn bị phương án đề phòng thảm họa. Tờ Hoàn Cầu Thời báo hôm 22.6 dẫn lời nhà nghiên cứu Quách Tấn thuộc Viện Nghiên cứu địa chấn Trung Quốc trấn an rằng con đập vẫn an toàn và hoàn toàn đủ sức đối phó với đợt lũ này. Ông Quách giải thích rằng đập Tam Hiệp được thiết kế với khả năng chịu đựng mực nước lên tới 175 m và với những dòng nước lũ có lưu lượng tới 70.000 m3/giây. Vị chuyên gia cho rằng chỉ cần xả bớt nước trong hồ chứa để cân bằng dòng nước vào và ra là có thể ngăn được việc mực nước tăng lên, đồng thời gọi đây là chuyện bình thường trong mùa mưa.

Đập Tam Hiệp: 90 năm từ ý tưởng đến hiện thực và những con số "khủng"

Khả năng có giới hạn

Trong khi đó, các cơ quan chức năng Trung Quốc những ngày qua liên tục kêu gọi phối hợp điều tiết tại các dự án đập ngăn lũ lớn, trong đó gồm đập Tam Hiệp, đồng thời chỉ đạo chính quyền các địa phương chuẩn bị phương án để bảo vệ tính mạng người dân trong trường hợp vượt mức kiểm soát. Trang tin địa phương Qijiang Online dẫn lời một số lãnh đạo Công ty Tam Hiệp Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng và vận hành con đập nói rằng khả năng chịu lũ của con đập là “có giới hạn” và việc kiểm soát lũ của toàn bộ vùng lưu vực sông Dương Tử không thể chỉ dựa vào đập Tam Hiệp.
Trước đó, giới kỹ sư thuộc Ủy ban Tài nguyên nước sông Dương Tử cho biết đã tiến hành nhiều nghiên cứu cho thấy ngay cả khi đập bị phá hủy do chiến tranh, thiệt hại sẽ không lan đến tận Thượng Hải, theo AFP. Tuy nhiên, nhiều người không thể quên thảm họa vỡ đập Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc vào năm 1975. Con đập được xây dựng vào thập niên 1950 nhằm tạo thủy điện và kiểm soát lũ cho vùng đồng bằng sông Hoài đã bị cơn bão Nina phá tan. Nước lũ kéo sập 61 con đập khác ở hạ nguồn khiến hơn 26.000 người thiệt mạng. Dịch bệnh và nạn đói kéo theo sau đó làm khoảng 145.000 người thiệt mạng.
Theo ước tính, có khoảng 400 triệu người sống ở hạ nguồn đập Tam Hiệp. Tờ South China Morning Post ngày 27.6 dẫn thông báo của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc cho biết đợt mưa lũ vài tuần qua đã khiến khoảng 774.000 người ở khắp 26 tỉnh phải sơ tán, với 81 người mất tích hoặc chết, và 10.000 ngôi nhà đổ sập. Tại tỉnh Hồ Bắc, nơi có đập Tam Hiệp, nhiều thành phố bị ngập lụt nặng, đường phố bị nhấn chìm và xe cộ bị cuốn trôi. Tổng mức thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 3,8 tỉ USD với 14 triệu người bị ảnh hưởng. Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến các khu vực miền tây nam Trung Quốc và hạ lưu sông Dương Tử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.