Đây là lần đầu tiên Myanmar đề xuất một cuộc họp với các nước thành viên ASEAN để giải quyết vấn đề được xem là nhạy cảm liên quan đến người Hồi giáo Rohingya. Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19.12 ở Yangon, theo Nikkei Asian Review ngày 11.12.
Một nguồn tin ngoại giao tại Philippines khẳng định Myanmar đã mời nước này tham gia cuộc họp khẩn cấp để thảo luận "các vấn đề về người Rohingya".
Hơn 20.000 người Rohingya đã tràn sang Bangladesh trong vòng hai tháng qua, được cho là nhằm chạy trốn khỏi những chiến dịch do quân đội Myanmar tiến hành tại bang Rakhine, phía tây Myanmar.
Những thông tin cho rằng lực lượng an ninh Myanmar bức hại người Rohingya đã dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối tại các quốc gia có nhiều người Hồi giáo trong khu vực. Myanmar với dân số phần lớn theo đạo Phật, đang đối mặt với áp lực ngoại giao từ các nước láng giềng.
Phát biểu trước hàng ngàn người biểu tình tại Kuala Lumpur hồi tuần trước, Thủ tướng Malaysia Najib Razak chỉ trích bà Aung San Suu Kyi đã để nạn "diệt chủng" xảy ra ở Myanmar, theo AFP.
tin liên quan
Malaysia, Myanmar hục hặc vì người RohingyaThủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 4.12 đã tham gia biểu tình phản
đối chính phủ Myanmar trong việc đối xử với người Hồi giáo Rohingya.
Myanmar kịch liệt phản đối những cáo buộc trên và đã triệu tập Đại sứ Malaysia tại Myanmar đến để phản đối, đồng thời tuyên bố cấm người lao động Myanmar sang Malaysia làm việc.
Cuộc khủng hoảng về người Rohingya là thách thức lớn nhất đối với bà Suu Kyi kể từ khi đảng của bà giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2015.
Cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Myanmar chỉ trích việc xử lý khủng hoảng của bà Suu Kyi, nói rằng điều đó "gây thất vọng không chỉ trong nước mà cả quốc tế", theo AFP.
Truyền thông nhà nước Myanmar cho biết gần 100 người đã thiệt mạng trong các chiến dịch bố ráp của quân đội ở bang Rakhine. Tuy nhiên các tổ chức vận động xã hội cho rằng số người chết có thể cao hơn, đến hàng trăm người.
Bình luận (0)