Cụ thể, các kênh thông tin như tờ Koh Santepheap hay trang tin DAP News đã dẫn phân tích của chuyên gia nhiều nước như Mỹ, Úc và Thái Lan…
Cần bảo vệ luật pháp quốc tế
Theo đó, ông Gregory B.Poling, Giám đốc sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận định: “Những hành vi của Trung Quốc ngày càng trở nên thách thức khi họ triển khai nhiều tàu hơn tại Biển Đông so với trước đây”. Trong bối cảnh đó, ông Poling khuyến nghị các nước Đông Nam Á cần phải thể hiện rõ ràng quan điểm trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế.
Cùng chung quan điểm, Giáo sư Stein Tonnesson (Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo, Na Uy) cũng cho rằng việc Trung Quốc ngăn cản các nước tiến hành các hoạt động hợp pháp tại Biển Đông, cũng như can thiệp vào các hoạt động của VN tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này là có tính hệ thống. Các nước Đông Nam Á cần nỗ lực đối thoại nhằm hướng tới các giải pháp hợp lý và thực chất hơn. Giáo sư Go Ito (Đại học Meiji, Nhật Bản) nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang gặp phải sự chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế.
Lo ngại lớn về an ninh
TS Lee Jae-hyon, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN và châu Đại Dương, Viện Nghiên cứu chính sách ASAN (Hàn Quốc), cho rằng: Tình hình an ninh ở Biển Đông ngày một xấu đi khi Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở vùng biển này và gây lo ngại lớn về an ninh cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là VN.
Giáo sư Carl A.Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhận xét trong vụ hành động của tàu Hải Dương Địa chất 8 hiện nay là xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của VN. Các hành động trên của Trung Quốc không chỉ diễn ra với VN mà với cả Philippines và Malaysia ở cùng thời điểm. ASEAN cần phải lên tiếng về điều này và coi đây là những vụ việc nghiêm trọng.
Ông Thayer nhấn mạnh nếu các nước ASEAN không đứng lên phản đối, những hành động này sẽ tiếp tục lặp lại nhiều lần trong tương lai. Vì thế, các nước ASEAN phải thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đối thoại với Trung Quốc nếu như Bắc Kinh tiếp tục có ý định thâu tóm toàn bộ Biển Đông.
Ông James Gomes, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á (Thái Lan), đánh giá cao cách hành xử đúng đắn của VN trong vụ việc trên. Ông nhấn mạnh Biển Đông phải là khu vực tự do cho tất cả mọi người có thể di chuyển, buôn bán cũng như hợp tác giữa con người với con người trong hòa bình. Với việc Trung Quốc tạo ra những căng thẳng như hiện nay và tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông thì đây là một vấn đề lớn. Cách thức VN đang làm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền là chiến lược đúng đắn.
Philippines mời Nga thăm dò dầu khí ở Biển Đông
Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi mới đây xác nhận Tổng thống Rodrigo Duterte đã mời tập đoàn năng lượng Nga Rosneft tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và một số khu vực khác, theo trang tin Rappler. Ông Duterte đưa ra lời mời này trong cuộc gặp Tổng giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Nga Rosneft Igor Sechin ở Moscow hôm 2.10.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia cho rằng Nga có thể sẽ không mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông trong bối cảnh nước này thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.
Văn Khoa
|
Điểm yếu của căn cứ Trung Quốc ở Biển Đông
Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest ngày 9.10, Giáo sư Robert Farley (Đại học Kentucky, Mỹ) nhận định Trung Quốc đang muốn tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông thông qua việc mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các đảo mà họ chiếm đóng phi pháp. Theo ông Farley, Trung Quốc xem đây là lợi thế chiến lược quân sự quan trọng, nhưng giá trị thực tế của các “căn cứ nổi” này không nhiều như Bắc Kinh nghĩ.
Trung Quốc đã thiết lập hệ thống sân bay, radar, bệ phóng tên lửa tại đá Subi, Vành Khăn, Chữ Thập, Phú Lâm mà họ cho rằng có thể “càn quét” mọi ngóc ngách của Biển Đông. Tuy nhiên, theo vị giáo sư, sức mạnh của hệ thống này lại phụ thuộc nhiều vào công tác hậu cần từ đại lục. Hầu hết những hòn đảo đều không có kho dự trữ. Khi xung đột xảy ra, việc giữ cho đường dây liên lạc, cung cấp nhiên liệu, đạn dược... được an toàn sẽ là rủi ro và thách thức lớn dành cho Trung Quốc.
Thanh Lương
|
Bình luận (0)