Báo động dịch Covid-19 lan mạnh

04/03/2020 01:23 GMT+7

Dịch Covid-19 đang lây lan với tốc độ báo động bên ngoài Trung Quốc , trong khi giới chuyên gia cảnh báo thế giới đang đối diện với tình huống chưa từng thấy.

Tính đến ngày 3.3, vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch Covid-19 đã lan ra 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 92.200 người nhiễm với hơn 3.131 người tử vong. Đáng chú ý, số lượng ca nhiễm tại Trung Quốc tăng chậm lại, trong khi ở những nơi khác trên thế giới ngày càng tăng nhanh.
Bình luận về sự khó lường của dịch bệnh, Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus tuyên bố hôm 2.3: “Chúng ta đang ở trong vùng đất chưa từng được biết đến. Chúng ta chưa từng thấy mầm bệnh hô hấp nào có khả năng truyền nhiễm trong cộng đồng, nhưng cũng có thể bị kiềm chế với các biện pháp đúng đắn”.

Đảo ngược, Trung Quốc cách ly người từ vùng dịch

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 3.3 thông báo có 125 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất trong vòng 6 tuần qua, nâng tổng số ca nhiễm tại đại lục đến nay là 80.151. Số tử vong tăng thêm 31 lên thành 2.943 người. Cùng ngày, 4 tỉnh Quảng Đông, Quý Châu, Sơn Tây và Vân Nam hạ mức độ ứng phó khẩn cấp với dịch sau khi tình hình cải thiện, theo Reuters.

[VIDEO] Số ca nhiễm Covid-19 mới giảm, Vũ Hán đóng cửa một bệnh viện dã chiến

Trong khi đó, một số trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2 từ nước ngoài quay trở về Trung Quốc với tổng cộng 13 ca.
Để đối phó, Bắc Kinh cho cách ly 14 ngày đối với người từ các nước có dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Ý, trong khi TP.Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh) xét nghiệm toàn bộ người từ nước ngoài đến. Tỉnh Quảng Đông cho cách ly 14 ngày với những người từ các vùng bị ảnh hưởng “nặng” từ dịch, trong khi Thượng Hải áp dụng quy định này cho người từ nước có tình hình dịch “tương đối nghiêm trọng” nhưng không nêu cụ thể nước nào.

Hàn Quốc “chiến tranh” với Covid-19

Trái với Trung Quốc, số ca bệnh tại Hàn Quốc ngày càng tăng cao trong liên tiếp những ngày gần đây, biến nước này trở thành vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai trên thế giới.
Tính đến cuối ngày 3.3, số ca nhiễm tại Hàn Quốc là 5.186 với 31 ca tử vong. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), hơn 56% tổng số ca nhiễm có liên quan đến giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) tại TP.Daegu và giới chức y tế dự báo số người nhiễm sẽ còn gia tăng.
Tính đến hôm qua, lực lượng y tế đã xét nghiệm hơn 120.000/210.000 thành viên của Tân Thiên Địa trong khi vẫn tiếp tục điều tra nguyên nhân lây lan tại Daegu, theo Yonhap.
Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 3.3, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố “cả nước đang bước vào cuộc chiến tranh với bệnh truyền nhiễm này”, nhưng cũng cho rằng cuộc khủng hoảng tại Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang đã đạt đỉnh. Theo Yonhap, số bệnh nhân Covid-19 tại 2 địa phương trên chiếm khoảng 90% tổng số ca nhiễm.
Ông Moon thông báo chính phủ sẽ bơm thêm hơn 30.000 tỉ won (hơn 582.700 tỉ đồng) vào nền kinh tế để đối phó tình hình nghiêm trọng, đồng thời chỉ thị toàn bộ cơ quan chính phủ hoạt động 24/24 để chống dịch.

Dịch lan rộng tại châu Âu, Trung Đông

Châu Âu và Trung Đông là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, trong đó đa số các trường hợp có liên quan đến người từ Ý và Iran.
Tại Iran, Thứ trưởng Y tế Alireza Raisi hôm qua thông báo số ca nhiễm đã tăng lên thành 2.336 sau khi ghi nhận thêm 835 ca bệnh mới. Trong khi đó, số người tử vong đã là 77 người, nhiều nhất sau Trung Quốc đại lục. Phó chủ tịch quốc hội Iran Abdul Reza Misri cùng ngày cũng thông báo 23/290 nghị sĩ (8%) dương tính với vi rút và cho biết các nghị sĩ đang kêu gọi tiếp tục hoãn ngày họp quốc hội lại.

Các nước ngăn dịch như thế nào ? 

Ngoài việc cách ly, các nước trên thế giới đang áp dụng một số biện pháp khác nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch Covid-19.
Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer ngày 3.3 thông báo đã cho đóng cửa khoảng 120 trường học tại các vùng có dịch và có thể tăng thêm trong những ngày tới. Trước đó, chính phủ Pháp tạm thời cấm các sự kiện trong không gian kín có hơn 5.000 người tham dự. UAE cùng ngày thông báo hủy hoặc hoãn hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao lớn tại nước này để đề phòng.
Chính quyền Anh công bố kế hoạch triển khai quân đội hỗ trợ, đóng cửa trường học, cho người lao động làm việc ở nhà và hủy các sự kiện đông người nếu dịch bệnh bùng phát mạnh. Lực lượng y tế được ưu tiên cho bệnh nhân Covid-19 hơn các ca bệnh không khẩn cấp khác trong khi các nhân viên về hưu cũng có thể được huy động để hỗ trợ.
Chính phủ Úc đang chuẩn bị áp dụng luật an ninh sinh học thông qua vào năm 2015 nhằm bắt buộc những trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải đến bệnh viện hoặc vào khu cách ly, theo BBC. Tính đến nay, có gần 40 ca nhiễm Covid-19 tại Úc với 1 trường hợp tử vong nhưng nhà chức trách cho rằng nước này vẫn có thể tránh được dịch bệnh bùng phát.
Trong khi đó, số người nhiễm tại Ý đến nay là 2.036 với 52 ca tử vong, đa số là tại các vùng phía bắc gồm Lombardy, Veneto và Emilia Romagna. Reuters dẫn lời ông Giulio Gallera, nghị viên phụ trách chính sách phúc lợi tại Lombardy, cho biết toàn bộ bệnh nhân trong vùng tử vong vì Covid-19 đều có tiền sử bệnh, chủ yếu là về tim mạch.

[VIDEO] Pháp có thêm 2 ca tử vong, EU nâng mức rủi ro do dịch Covid-19 lên cao

Trong diễn biến liên quan, tờ Il Messaggero hôm qua đưa tin Giáo hoàng Francis đã được xét nghiệm và kết quả là âm tính với vi rút. Trước đó, người đứng đầu Vatican bị cảm lạnh và phải hủy một số buổi lễ tại tòa thánh. Ukraine và Gibraltar là hai nơi mới nhất tại châu Âu công bố có ca Covid-19 đầu tiên, trong khi các ca bệnh mới cũng được ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và Trung Đông khác.

Dấu hiệu bất thường tại Mỹ

Tính đến hôm qua 3.3 có ít nhất 105 ca nhiễm tại 12 tiểu bang ở Mỹ, trong đó 48 ca là những người được sơ tán từ Vũ Hán và du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản, theo CNN. Đáng chú ý, tổng cộng 6 ca tử vong tại Mỹ tính đến ngày 2.3 đều xảy ra tại bang Washington.
Một trường hợp gây lo ngại tại bang Florida khi bệnh nhân ở quận Manatee bị xác định dương tính với vi rút nhưng nhà chức trách không thể tìm ra nguồn lây nhiễm cho người này.

Ông Trump yêu cầu các công ty dược tăng tốc nghiên cứu vắc xin Covid-19

Tuy nhiên, Phó tổng thống Mike Pence trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tuyên bố rằng nguy cơ nhiễm bệnh đối với người Mỹ vẫn còn ở mức thấp. Ông Pence cho biết phương thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có thể sẽ được sẵn sàng “trong mùa hè hoặc đầu mùa thu” năm nay, đồng thời thông báo các hãng dược của Mỹ đang phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin về cách bào chế thuốc.
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) cuối tuần qua đã cấp phép thêm cho các cơ sở phát triển công cụ xét nghiệm vi rút. Do đó, lãnh đạo FDA Stephen Hahn ước tính số người được xét nghiệm có thể sẽ tăng lên thành 1 triệu vào cuối tuần này. B.V
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.