Bất cập trong hỗ trợ cô dâu Việt ở Hàn Quốc

02/12/2018 07:30 GMT+7

Nhiều phụ nữ Việt định cư ở Hàn Quốc được cho là không hài lòng về những chương trình hỗ trợ gia đình đa văn hóa của chính phủ nước này.

Trong thời gian qua, chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ phụ nữ nước ngoài, đa phần đến từ VN, ổn định cuộc sống sau khi kết hôn và định cư tại nước này. Lâu nay, những khác biệt về văn hóa, không biết tiếng Hàn và đặc biệt là nỗi cô đơn nơi xứ người vì thiếu người chia sẻ là những nguyên nhân khiến nhiều cô dâu Việt “vỡ mộng” và gặp nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập tại Hàn Quốc. “Thời gian đầu tôi gần như trầm cảm nhưng cố sống vì 2 con”, một cô dâu Việt 30 tuổi được gọi bằng tên Hàn là Min Soo-kyung tại tỉnh Jeolla Nam, kể với tờ Nikkei Asian Review. Tương tự, một phụ nữ khác chia sẻ: “Tôi không có người bạn nào và suốt ngày phải ở nhà một mình”.
Chính vì thế, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai kế hoạch thành lập nhiều trung tâm hỗ trợ các gia đình đa văn hóa với những khóa học tiếng, học nấu món Hàn, về văn hóa gia đình truyền thống của nước này cũng như tạo môi trường để các cô dâu Việt có thể giao lưu, chia sẻ với nhau. Tuy nhiên, một số phản hồi rằng các cơ sở này chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của họ. Tờ The Korea Times dẫn lời cô Nguyen Thi Van (26 tuổi), làm phiên dịch viên cho một trung tâm hỗ trợ ở quận Yongsan thuộc thủ đô Seoul, cho hay những phản hồi mà cô nhận được từ đồng hương đều có nội dung giống nhau: “Chưa có chương trình hỗ trợ gia đình đa văn hóa nào thật sự giúp cải thiện cuộc sống của chúng tôi một cách có ý nghĩa”. “Bạn phải xem xét thực tế rằng hầu hết phụ nữ nhập cư gặp khó khăn về tài chính. Nếu các chương trình hỗ trợ không thể mang lại sự thay đổi thật sự trong cuộc sống gia đình, họ sẽ không thể dành thời gian cho công việc bán thời gian để cải thiện thu nhập”, cô Vân - người đóng vai trò kênh liên lạc giữa trung tâm với khoảng 140 phụ nữ Việt ở Yongsan, cho hay. “Có rất ít chương trình kéo dài, diễn ra đều đặn và thông tin từ các trung tâm hỗ trợ rất vắn tắt, chủ yếu mang tính lý thuyết và hầu như không có đổi mới”, cô nói thêm.
Bất cập trong hỗ trợ cô dâu Việt ở Hàn Quốc
Cô Nguyen Thi Van đang làm kênh liên lạc giữa cô dâu Việt và trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa ở Seoul Ảnh: Chụp màn hình The Korea Times

Theo The Korea Times, hướng dẫn chung của hầu hết các chương trình giáo dục tại trung tâm chủ yếu tập trung vào mục tiêu “chiều chồng, làm hài lòng ba mẹ chồng” và không có nhiều tác dụng cải thiện đời sống của những gia đình đa văn hóa. “Nhiều người tham gia thấy những cuộc thảo luận về mối quan hệ gia đình theo gợi ý của chính quyền không có ý nghĩa. Bạn không cần phải học cách giao tiếp với chồng mình. Việc này trở nên tự nhiên nếu suy nghĩ của mình đồng điệu với bạn đời”, cô Van nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình được lập ra nhưng lại không có nội dung cụ thể và chương trình giảng dạy thiếu chuyên nghiệp. “Các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa hiện đang nhấn mạnh vào giáo dục song ngữ, gồm tiếng Hàn và tiếng mẹ đẻ, cho con em gia đình đa văn hóa nhưng nói thì dễ còn làm thì rất khó”, cô Van chia sẻ, “Các trung tâm tổ chức lớp tiếng mẹ đẻ cho các cháu nhưng bữa đực bữa cái, lại thiếu giáo viên nên cuối cùng chỉ cung cấp tài liệu rồi các mẹ phải tự dạy cho con em”. Vì thế, cô Van phải tự biên soạn, tìm kiếm tài liệu để dạy tiếng Việt cho con trai 2 tuổi của mình rồi chia sẻ cho đồng hương.
The Korea Times cũng dẫn lời một số cô dâu Việt cho rằng giới hữu trách cần chú ý hơn tới hoàn cảnh kinh tế của các gia đình đa văn hóa, nhất là những cặp vợ chồng cách biệt nhau ít nhất 20 tuổi. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng là những gia đình có người chồng lớn tuổi đến mức không còn có thể làm việc và gánh nặng dồn lên vai người vợ. Trong nhiều gia đình, vào lúc con cái đến tuổi vào đại học thì người cha đã ở độ tuổi 70, không còn là trụ cột, nên con em buộc phải đi làm để phụ đỡ mẹ ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. “Một phụ nữ Việt đã khóc và tâm sự với tôi rằng cô ấy không thể kiếm đủ tiền lo cho gia đình dù làm việc quần quật cả ngày. Thỉnh thoảng tôi cũng lo đó có thể là tương lai của mình trong 10 năm tới”, cô Van chia sẻ.
Phụ nữ Việt áp đảo số cô dâu ngoại ở Hàn Quốc
Phần lớn phụ nữ nước ngoài kết hôn với đàn ông Hàn Quốc trong những năm gần đây là công dân VN. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cô dâu Việt hiện chiếm khoảng 28% số cặp hôn nhân giữa nam giới Hàn Quốc với người nước ngoài, Hãng UPI dẫn nguồn từ Cục Thống kê Hàn Quốc cho hay. Tiếp đến là cô dâu Trung Quốc với 25% và Thái Lan (5%). Phái đẹp Trung Quốc trước đây từng đứng đầu danh sách các cô dâu nước ngoài tại xứ kim chi khi chiếm tỷ lệ 38,6% trong năm 2008. Theo thống kê, nam giới Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài thường lớn hơn vợ ít nhất 10 tuổi. Cũng có nhiều chú rể trên 45 tuổi trong
khi vợ họ tầm ngoài 20 tuổi. Trong khi đó, chênh lệch độ tuổi trung bình giữa các cặp người Hàn Quốc chỉ là 3 - 5 tuổi (26%) hoặc 1 - 2 tuổi (25%). Tỷ lệ người Việt lập gia đình tại Hàn Quốc gia tăng do ngày càng có nhiều người Việt sang đây học tập và làm việc, theo Cục Thống kê Hàn Quốc. Tờ The Korea Times dẫn báo cáo của Văn phòng di trú Hàn Quốc cho biết hiện có khoảng 152.000 cặp vợ chồng Việt - Hàn tại nước này.
Huỳnh Thiềm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.