Bầu cử Mỹ: Cuộc đua 'được ăn cả, ngã về không'

01/11/2020 08:00 GMT+7

Người dân Mỹ đi bỏ phiếu , nhưng đại cử tri mới là những người giữ lá phiếu quyết định để một ứng viên có thể trở thành tổng thống.

Chỉ còn vài ngày nữa cuộc bầu cử chính thức sẽ diễn ra và cả thế giới đang hồi hộp chờ đợi ai sẽ lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm tới. Trừ những người bỏ phiếu sớm hoặc gửi qua thư, cử tri trên toàn nước Mỹ sẽ tới các điểm bầu cử bỏ phiếu trong ngày 3.11.
Thực chất cử tri không thể trực tiếp bầu ra tổng thống, mà là đại cử tri. Quan trọng không phải là ai giành được nhiều phiếu do người dân bầu nhất mà là họ thắng ở bang nào, tương ứng với số phiếu đại cử tri là bao nhiêu.

Bầu cử gián tiếp

Từ những ngày đầu, các nhà lập pháp Mỹ đã chọn hình thức bầu tổng thống thông qua sự lựa chọn của cử tri đoàn thay vì toàn dân. Với diện tích quá rộng lớn và những hạn chế về truyền thông, mỗi bang của Mỹ chọn ra đại diện để đi bầu lãnh đạo đất nước, họ chính là cử tri đoàn. Tùy thuộc vào quy mô dân số, mỗi tiểu bang sẽ được ấn định số phiếu đại cử tri nhất định.

Bầu cử Mỹ 2020: Thắng phiếu phổ thông vẫn không giành ghế tổng thống? Chỉ tại đại cử tri đoàn

Cụ thể, số lượng đại cử tri ở mỗi bang bằng tổng số ghế của bang đó tại Thượng viện và Hạ viện, trong đó mỗi bang đều có 2 ghế tại Thượng viện. Bang ít dân nhất có 3 đại cử tri (tương đương 2 ghế tại Thượng viện và 1 ghế ở Hạ viện), bang nhiều dân nhất hiện nay là California với 55 đại cử tri. Tỷ lệ đại cử tri trên số dân là không đồng đều ở các bang. Tổng cộng có 538 đại cử tri được bầu từ 50 bang và quận Columbia (nơi có thủ đô Washington D.C).
Thông thường, 48 trong số 50 bang của Mỹ và quận Columbia thực hiện bầu cử theo nguyên tắc “winner takes all” (người thắng được tất cả). Điều này có nghĩa tất cả phiếu đại cử tri sẽ dành cho người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông ở bang đó, dù cho chiến thắng có sít sao như 50,1% và 49,9%. Riêng Maine và Nebraska là hai bang khác biệt khi phân bổ phiếu đại cử tri theo tỷ lệ các hạt bầu cử.
Gần như tất cả đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống mà họ đã cam kết ủng hộ tại bang mình. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết vẫn có thể xảy ra trường hợp ngược lại. Hiến pháp và luật liên bang không yêu cầu, nhưng các tiểu bang có các quy định liên quan việc bỏ phiếu của cử tri đoàn, bao gồm cả việc bắt buộc phải bầu theo cam kết. Hệ thống bầu cử gián tiếp này dẫn đến việc một ứng viên có thể nhận được nhiều phiếu phổ thông trên toàn quốc hơn nhưng không chắc chắn trở thành tổng thống.
Gần đây nhất vào năm 2016, khi ứng viên Dân chủ Hillary Clinton hơn ứng viên Cộng hòa Donald Trump tới gần 3 triệu phiếu bầu phổ thông, nhưng người chiến thắng lại là ông Trump.

Cựu Phó tổng thống Joe Biden phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở thủ phủ St.Paul, bang Minnesota ngày 30.10

Ảnh: Reuters

Chiến lược giành 270 phiếu

Để trở thành tổng thống, ứng viên phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, tức quá bán trên tổng số 538 đại cử tri toàn quốc. Thực tế chính trị Mỹ cho thấy nhiều bang có thể hoàn toàn đứng về phía đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa suốt một thời gian dài, tức đã có kết quả ngay từ khi chưa bỏ phiếu. Các ứng viên có thể yên tâm cầm chắc phần thắng và đếm được số phiếu đại cử tri “cứng” của mình. Nhiệm vụ của họ là làm thế nào để giành những lá phiếu chưa chắc chắn để có tổng cộng ít nhất 270 phiếu.
Để chiến thắng cuộc đua này, ứng cử viên và đảng mà họ đại diện phải có chiến lược rõ ràng. Đó là lý do tại sao chiến dịch vận động tranh cử tập trung vào một số bang nhất định chứ không phải khắp 50 bang của nước Mỹ, và lựa chọn bang nào để đổ tiền của, công sức cũng là quyết định cân não.
Trong cuộc bầu cử năm 2016, 4 bang mà ông Trump chiến thắng với cách biệt chưa tới 2% gồm: Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Florida. Những bang này đều dành phiếu cho phe Dân chủ vào kỳ bầu cử năm 2012, trong đó Pennsylvania và Michigan vốn có truyền thống trên dưới 20 năm không bầu cho ứng viên Cộng hòa.

Tổng thống Trump quyết liệt giành cử tri ở miền Trung Tây

Thất bại của bà Hillary Clinton năm 2016 được nhiều nhà phân tích đánh giá có thể là do chọn chiến lược chưa đúng. Cụ thể, bà Hillary đổ nhiều công sức vào Ohio, Florida và Bắc Carolina, trong khi ít quan tâm hơn tới Michigan và Wisconsin - hai bang mà bà được cho là phải giữ “bức tường xanh” (màu xanh là màu của đảng Dân chủ - NV), theo tờ The Atlantic. Cuối cùng cả hai bức tường đó cùng với Pennsylvania đều bầu cho ông Trump.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.