Không chỉ vậy, những thành tựu nghiên cứu của nhà khoa học Liên Xô này đã bị kỹ sư Andrei Kostikov chiếm trọn.
Gốc Đức và mộ đạo
Georgy Erikhovich Langemak sinh ra ở thị trấn Starobelsk thuộc vùng Luhansk ngày nay. Cha của ông là người gốc Đức, và mẹ ông sinh ra ở Thụy Sĩ. Sau khi lập gia đình với nhau và sinh sống không ổn định ở nhiều nơi, họ chuyển đến định cư tại Đế chế Nga và lấy quốc tịch Nga. Vợ chồng nhà Langemak là những người theo đạo thuộc giáo hội Luther. Họ cũng làm phép báp-têm cho con trai mình.
Georgy may mắn được ăn học đến nơi đến chốn. Anh tốt nghiệp bậc trung học với danh hiệu xuất sắc và thông thạo nhiều ngoại ngữ. Georgy rất muốn trở thành một nhà ngôn ngữ học và đã vượt qua kỳ thi tuyển vào khoa ngôn ngữ - văn học của trường đại học. Nhưng cũng trong năm đó, năm 1916, anh bị sung quân, phục vụ trong hạm đội của hải quân Sa hoàng.
Trên bờ vực tử thần
Theo một số tài liệu lưu trữ, khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra, Georgy đang ở thành phố Tallinn (lúc đó có tên là Reval) của Estonia, nơi anh theo học khóa đào tạo sĩ quan pháo binh. Các tài liệu khác viết rằng lúc đó anh đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội Sa hoàng ở trên đất Phần Lan. Tóm lại, trong bất cứ trường hợp nào thì Georgy cũng không thể tham gia vào cuộc Cách mạng Tháng Mười.
Cuối cùng, vào năm 1918, Georgy được giải ngũ và đến Odessa sinh sống. Ở đó, Georgy đã một lần nữa thực hiện nỗ lực để trở thành sinh viên ngôn ngữ học bằng cách đăng ký vào trường đại học địa phương. Nhưng rồi ước mơ này một lần nữa lại không thể trở thành hiện thực: thành phố Odessa là một trong những trung tâm đối đầu gay gắt nhất giữa quân trắng và quân đỏ. Cuối cùng thì quân đỏ (Hồng quân) đã chiếm được hoàn toàn Odessa.
Chính quyền Bolshevich ở Odessa công bố lệnh tổng động viên. Vì vẫn đang trong độ tuổi nghĩa vụ nên Georgy lại phải nhập ngũ, lần này là tham gia Hồng quân. Do chiến đấu giỏi, ông được kết nạp đảng Bolshevich. Nhưng điều đó cũng không cứu anh thoát khỏi những hoàn cảnh trớ trêu của số phận: kể từ thời điểm đó ông đã nhiều lần đứng ở trên ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.
Georgy đã bị bắt, bị kết án tử hình, nhưng sau đó được tha bổng do từng có liên quan đến cuộc nổi dậy Kronstadt. Và vào đầu những năm 1920, George bị khai trừ khỏi đảng vì khi lấy vợ, ông đã lén lút cử hành hôn lễ trong nhà thờ.
Thành công và kết cục đau buồn
Tuy nhiên, ở một thời điểm nhất định nào đó, số phận vẫn mỉm cười với Georgy. Năm 1928, ông tốt nghiệp Học viện kỹ thuật quân sự và bắt đầu làm việc tại Phòng thí nghiệm khí động học. 5 năm sau, Viện nghiên cứu phản lực học được thành lập trên cơ sở phòng thí nghiệm này, Georgy được bổ nhiệm làm phó giám đốc.
Trong công việc của mình ở phòng thí nghiệm cũng như trong viện, ông đã miệt mài nghiên cứu quá trình chế tạo tên lửa. Những công trình này sau đó đã hình thành cơ sở cho việc chế tạo ra loại tên lửa Katyusha huyền thoại. Năm 1937, với những thành tựu khoa học của mình, Georgy và các đồng nghiệp của ông đã được trao giải thưởng của chính phủ.
Nhưng chỉ một vài tuần sau đó, Georgy bị bắt giam, và qua năm 1938 thì ông bị xử bắn. Nhà khoa học bị buộc tội làm gián điệp cho Đức, phá hoại đảng và tham gia một tổ chức chống phá nhà nước Liên Xô.
Phục hồi danh dự
Trong số phận buồn của nhà thiết kế tài năng Georgy , kỹ sư Andrei Kostikov đóng vai trò không nhỏ. Sau khi Georgy bị xử bắn, Kostikov đã ngồi vào ghế của ông và ngang nhiên chiếm đoạt những kết quả nghiên cứu của người tiền nhiệm để rồi nhận lấy cái danh hiệu "cha đẻ của tên lửa Katyusha". Kostikov chính là người đã đẩy Georgy tới chỗ chết khi tố cáo với chính quyền rằng ông là "kẻ thù của nhân dân". Nhờ “thành tích” này, cùng với kết quả nghiên cứu chế tạo tên lửa Katyusha, Kostikov được nhà nước Liên Xô khen thưởng nhiều lần.
Phải nhiều năm sau cái chết của Stalin, chính quyền Liên Xô mới đặt vấn đề phục hồi danh dự cho Georgy. Đến thập niên 1980, một ủy ban đặc biệt đã được thành lập để điều tra về Kostikov và những "phát minh, sáng chế" của ông ta trong quá trình nghiên cứu chế tạo tên lửa Katyusha. Kết quả điều tra cho thấy rằng Kostikov đã ngụy tạo những chứng cứ để tố cáo dẫn đến việc bắt giữ và xử bắn Georgy cùng các đồng nghiệp của ông, và sau đó ngang nhiên chiếm đoạt thành quả nghiên cứu của họ.
Năm 1991, quyền tác giả của tên lửa Katyusha cuối cùng đã được trả lại cho Georgy Langemak, và ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Bình luận (0)