Hàng không xáo trộn
Vụ tấn công của Iran nhắm vào 2 căn cứ ở Iraq có lính Mỹ đồn trú rạng sáng 8.1 đã khiến hoạt động hàng không tại khu vực trở nên hỗn loạn. Nhiều hãng hàng không lớn tại khu vực và quốc tế thông báo đã điều chỉnh đường bay nhằm tránh không phận Iraq và Iran. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ra thông báo cấm các máy bay dân sự Mỹ hoạt động tại không phận Iraq, Iran, trên các vịnh Ba Tư và Oman. Cơ quan Vận tải hàng không liên bang Nga cũng phát cảnh báo tương tự vì lý do an ninh, theo Sputnik.
Sơ tán và cảnh báo
Hôm qua, hàng loạt quốc gia có binh lính đồn trú tại Iraq như Ba Lan, Đan Mạch, Đức, Na Uy, New Zealand, Úc đã xác nhận lực lượng của họ không bị ảnh hưởng sau vụ tấn công của Iran. Một số nước như Đức, Tây Ban Nha thông báo sẽ giảm bớt binh lính ở Iraq trong bối cảnh xung đột leo thang, theo CNN.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines ra lệnh sơ tán toàn bộ công dân nước này khỏi Iraq. Theo Reuters, một tàu tuần tra của Philippines vừa nhận từ Pháp đang trên đường về nước đã được điều động tức tốc đến khu vực Trung Đông để hỗ trợ sơ tán công dân. Hàng trăm ngàn người Philippines được cho là đang làm việc tại Trung Đông, trong đó 1.600 người tại Iran và 6.000 người tại Iraq, theo thông báo của quân đội nước này.
Chính phủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand cũng lên phương án đảm bảo an toàn cho công dân tại Trung Đông và chuẩn bị kế hoạch sơ tán nếu cần. Bộ Ngoại giao các nước Ấn Độ, Canada và Pakistan cảnh báo công dân tránh đến Iraq trừ trường hợp cần thiết và phải cảnh giác tối đa.
Mặt khác, Hãng Kyodo News đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ hủy chuyến thăm các nước Trung Đông gồm Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Oman từ ngày 11.1 giữa lúc tình hình khu vực leo thang.
|
Giá vàng phi mã
Tình hình căng thẳng tại Trung Đông làm gia tăng nỗi lo bất ổn khiến nhu cầu mua vàng và những tài sản an toàn như đồng yen Nhật tăng cao. Theo Đài CNBC, ngay sau khi Iran tuyên bố tấn công căn cứ có lính Mỹ đồn trú, giá vàng đầu ngày 8.1 tăng hơn 2%, vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce (36,9 triệu đồng/ounce) lần đầu tiên sau 7 năm dù sau đó giảm nhẹ xuống còn 1.582 USD/ounce. Trong khi đó, đồng yen cũng chạm mức cao nhất trong 3 tháng qua khi tăng 0,6%, tương đương 107,74 yen đổi được 1 USD.
Ngược lại, các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm điểm, trong đó Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,6% còn các chỉ số Kospi của Hàn Quốc, Hang Seng của Hồng Kông và Shanghai Composite của Trung Quốc đều giảm 1% trong ngày 8.1, theo tờ Nikkei Asian Review.
Giá dầu WTI hôm qua có thời điểm tăng hơn 4,5% lên mức 65,54 USD/thùng, cao hơn 10% so với 1 tháng trước, còn giá dầu Brent tăng 0,5% lên 68,1 USD/thùng.
Reuters cùng ngày dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei nói rằng không có nguy cơ tức thì đối với việc vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz sau vụ tấn công của Iran. Ông Mazrouei nhận xét tình hình hiện tại không phải là chiến tranh và dự báo sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trừ khi có một thảm họa. Đồng thời, ông tuyên bố Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ đáp ứng mọi sự thiếu hụt nguồn cung nếu cần nhưng cũng có giới hạn.
Điều chỉnh đường bay tránh căng thẳng tại Trung Đông
Vietnam Airlines cho biết để đảm bảo an toàn cho hành khách và hoạt động khai thác, từ ngày 8.1, Vietnam Airlines đã chuyển hướng các chuyến bay giữa Việt Nam và châu Âu tránh xa các khu vực có thể bị ảnh hưởng của căng thẳng tại Trung Đông. Các đường bay đi châu Âu không bay qua không phận Iran và Iraq, tuy nhiên Vietnam Airlines vẫn tiếp tục điều chỉnh để tránh xa các khu vực có thể bị ảnh hưởng. Việc điều chỉnh có thể kéo dài thời gian bay và tăng chi phí, nhưng sẽ được duy trì đến khi căng thẳng ở Trung Đông kết thúc. Mai Hà - M.V
|
Tạm dừng đưa lao động Việt Nam sang Trung Đông
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) chiều 8.1. Liên quan đến diễn biến căng thẳng ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi, ông Dung yêu cầu Cục QLLĐNN chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động tạm dừng đưa lao động Việt Nam sang thị trường này; nắm tình hình và phối hợp với Bộ Ngoại giao thông tin kịp thời, có phương án xử lý trong tình huống xấu.
Ngày 8.1, Cục QLLĐNN đã yêu cầu các DN tiếp tục rà soát tình hình lao động, việc làm và sinh hoạt của lao động Việt Nam tại các nước trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Các DN phải lập danh sách số lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trình... số điện thoại, email, đầu mối liên hệ của các nhóm lao động và cán bộ đại diện DN tại thị trường để theo dõi, quản lý và hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, mỗi DN thiết lập đường dây nóng (số điện thoại, email của 1 lãnh đạo và 1 cán bộ thị trường).
Theo Cục QLLĐNN, số lao động Việt Nam tại khu vực Trung Đông đang giảm đáng kể, chỉ còn khoảng hơn 10.000 người.
T.Hằng
|
Bình luận (0)