>> Hội Tam Hoàng – thế lực ngầm ám ảnh dân Hồng Kông
Hồi đầu tuần, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm có tổ chức Hồng Kông Dan Ng thừa nhận khoảng 200 phần tử xã hội đen Hội Tam Hoàng đã xâm nhập hàng ngũ người biểu tình lẫn chống biểu tình để kích động bạo lực.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi cảnh sát bắt giữ 47 người với cáo buộc tấn công người biểu tình tại khu Vượng Giác, khiến hàng chục người bị thương trong các ngày 3 và 4.10. Tuy nhiên, một số thủ lĩnh biểu tình và nghị viên đối lập cáo buộc cảnh sát chỉ bắt những tên tội phạm cò con để “làm màu” và cố tình phớt lờ các vụ tấn công.
Khoảng 200 phần tử xã hội đen Hội Tam Hoàng đã xâm nhập hàng ngũ người biểu tình lẫn chống biểu tình để kích động bạo lực - Ảnh người biểu tình Hồng Kông đang cố giữ lều trại |
Dù nhà chức trách cực lực bác bỏ cáo buộc này nhưng sự thật là tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn. Trưa 13.10, khoảng 500 người bịt mặt bằng khẩu trang lao vào ẩu đả với người biểu tình tại quận Kim Chung lẫn Vượng Giác và chỉ rút đi khi lực lượng chống bạo động tới nơi.
Theo SCMP, kết quả điều tra ban đầu cho thấy các vụ việc trên có thể do thành viên của hai băng xã hội đen khét tiếng Hòa Thắng Hòa và Tân Nghĩa An gây ra. “Chúng có tổ chức và đến đó có mục đích”, Cục trưởng Dan Ng nói. “Cảnh sát đang theo dõi sát sao một số thành viên cấp cao của các băng nhóm này”.
Những diễn biến trên cho thấy Hội Tam Hoàng vẫn luôn là một thế lực ngầm can thiệp vào nhiều ngóc ngách của đời sống tại Hồng Kông.
Những ông trùm quyền lực
Hội Tam Hoàng là cái tên gọi theo thói quen ở VN, đọc chệch đi từ phiên âm Hán Việt của Tam Hợp Hội, ý chỉ sự hòa hợp giữa trời, đất và người. Đây không phải là một tổ chức duy nhất mà là tên gọi chỉ chung hàng trăm băng nhóm tội ác lớn nhỏ phát triển vào đầu thế kỷ 20.
Cùng với làn sóng di cư ồ ạt khỏi đại lục sau thắng lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1949, Hội Tam Hoàng chạy sang Hồng Kông và tỏa chân rết ra các phố người Hoa khắp thế giới, chuyên buôn lậu, tống tiền, tổ chức cờ bạc, mại dâm…, theo sách The Dragon Syndicates: The Global Phenomenon on the Triads (tạm dịch: Những tổ chức của rồng: Hội Tam Hoàng đe dọa toàn cầu) của học giả Michael Booth.
Hiện nay, đứng đầu xã hội đen Hồng Kông là “Tứ đại hắc bang” gồm Tân Nghĩa An, Hòa Hợp Đào, Hòa Thắng Hòa và 14K. Tân Nghĩa An hiện là băng lớn mạnh nhất đặc khu với số lượng thành viên chính thức được cho là lên tới 55.000 người, theo tờ The New York Times.
|
Băng này bắt tay cùng Hòa Thắng Hòa bảo kê các hoạt động ăn chơi trác táng tại 3 khu vực mua sắm, giải trí sầm uất Dầu Mã Địa, Tiêm Sa Chủy và Vượng Giác với tiền thu khổng lồ. “Vào buổi tối, một quán mạt chược lớn có thể giúp xã hội đen thu về khoảng 80.000 đến 100.000 HKD (gần 13.000 USD) một giờ”, một cảnh sát cho SCMP hay.
Tân Nghĩa An cũng khét tiếng là thọc sâu vào ngành điện ảnh Hồng Kông, từng một thời ép buộc các ngôi sao lừng danh nhất như Lưu Đức Hoa hay Thành Long phải đóng tiền bảo kê hoặc tham gia những bộ phim xã hội đen rẻ tiền. Vụ bắt cóc Lưu Gia Linh hồi năm 1990 cũng được cho là có bàn tay của Tân Nghĩa An. Mới năm ngoái, 1 thành viên băng này đã bị bắt và 3 người khác bị truy nã vì đến quấy rối đạo diễn Mỹ Michael Bay để đòi tiền khi ông đang quay phim bom tấn Transformers 4 tại Hồng Kông, theo AP.
Trong khi đó, Hòa Hợp Đào “quản lý” Vịnh Đồng La và vươn vòi sang tận Mỹ. Sau những trận chém giết đẫm máu đầu thập niên 1990 với hàng trăm người chết, Hòa Hợp Đào đẩy được băng nhóm Hoa Thanh của người Mỹ gốc Trung Quốc đại lục khỏi địa bàn bắc California.
Từ thế giới ngầm, băng này bắt đầu dấn sâu vào giới chính trị, bắt tay chặt chẽ với một số nghị viên biến chất ở địa phương. Hồi tháng 3.2014, thủ lĩnh cấp cao của chi nhánh Hòa Hợp Đào tại Mỹ là Raymond Chow đã bị bắt với cáo buộc rửa tiền tham nhũng cho nghị viên Leland Yee ở quận 8, bang California, theo tờ San Francisco Chronicles.
Hàng chục nhiều người biểu tình đã bị tấn công - Ảnh: Reuters |
Sau Hồng Kông, Đài Loan cũng là nơi hoạt động cực mạnh của Hội Tam Hoàng với băng lớn nhất là Trúc Liên bang. Trong cuốn hồi ký Bí quyết hóa rồng xuất bản năm 2000, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu viết:
“Các mối quan hệ của Quốc Dân đảng với Hội Tam Hoàng xuất hiện từ những ngày trước chiến tranh ở Thượng Hải, khi tướng Tưởng Giới Thạch dùng họ để chống phá cộng sản. Bọn họ theo ông ta ra Đài Loan. Một mafia Đài Loan đã ra đời và bám rễ… Khi hệ thống chính trị được mở toang vào cuối những năm 80 và những cuộc bầu cử trở thành những cuộc đua tranh giành quyền lực thật sự, thì chẳng bao lâu Hội Tam Hoàng đã phát hiện rằng họ có thể thao túng để được bầu vào những cương vị trong chính quyền”.
Một bằng chứng cho vị thế gần như “một tay che trời” của Hội Tam Hoàng ở Đài Loan là đám tang “bố già” Hứa Hải Thanh ngày 29.5.2005. Theo tờ Taipei Times, hơn 10.000 người, đa số là dân xã hội đen tại Đài Loan, Macau, Hồng Kông và cả Nhật Bản đến viếng ông trùm Hứa, vốn được cung kính gọi là “Văn ca” và từng tham gia Hội đồng thành phố Đài Bắc khóa đầu tiên từ năm 1950.
Đám tang là một sự kiện thời sự lớn tại Đài Loan, được hàng loạt kênh truyền hình, đài phát thanh tường thuật trực tiếp. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng ở những lĩnh vực khác nhau cũng đã đến, bao gồm cả phát ngôn viên Hội đồng lập pháp thủ phủ Đài Bắc khi đó là Ngô Bích Châu và nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng.
Quái vật biến hình
Kể từ khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc năm 1997, các băng nhóm Hội Tam Hoàng không còn hoạt động kiểu “bạo lực võ biền” như trước mà lấn sân sang các hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao hơn như rửa tiền, gian lận tài chính, cờ bạc hoặc thậm chí bắt tay với giới chính trị.
Một số thủ lĩnh biểu tình và nghị viên đối lập cáo buộc cảnh sát chỉ bắt những tên tội phạm cò con để “làm màu” và cố tình phớt lờ các vụ tấn công được cho có liên quan đến thành viên Hội Tam Hoàng. Ảnh: Reuters |
Những tên côn đồ đã lột xác thành “các vị doanh nhân mặc Âu phục”. “Giờ thì hầu như không ai ra đường tự xưng là người của 14K rồi đòi tiền nữa. Một số chuyển sang những ngành nghề hợp pháp. Tuy nhiên, họ không đi đâu cả mà đơn giản là mạng lưới đã thay hình đổi dạng”, tạp chí Time dẫn lời chuyên gia Sharon Kwok thuộc Đại học Thành thị Hồng Kông nói.
Vì thế, vẫn còn tranh cãi về động cơ các vụ bạo lực nhằm vào người biểu tình Hồng Kông. Theo Đài CNBC, thật ra cũng chỉ có các ông trùm mới đủ nguồn lực để “lột xác”, còn các thành viên cấp thấp vẫn kiếm ăn theo kiểu truyền thống. Do đó, có thể bọn chúng tức giận khi phong trào biểu tình làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các tụ điểm ăn chơi ở Vượng Giác.
Một giả thuyết khác còn giật gân hơn do phe chống đối đưa ra là bọn này nhận tiền của chính quyền. Những người ủng hộ giả thuyết này chỉ ra rằng ngay từ năm 1993, Bộ trưởng Công an Trung Quốc khi đó là Đào Tứ Câu từng tuyên bố: “Không phải thành viên nào của Tam Hợp Hội cũng là xã hội đen. Nếu họ bày tỏ lòng ái quốc và quan tâm đến sự thịnh vượng của Hồng Kông thì chúng ta nên tôn trọng họ”, theo The New York Times.
Nghi vấn cũng được đặt ra xung quanh vụ cựu Tổng thư ký tòa soạn của tờ Minh Báo Lưu Tiến Đồ bị một thanh niên lạ mặt dùng dao bổ dưa chém trọng thương vào ngày 26.2.2014. Trong thời gian phụ trách nội dung của Minh Báo từ năm 2012, Lưu đã cho in nhiều bài phản đối nhiều chính sách của trung ương đối với Hồng Kông cũng như phanh phui các bê bối liên quan đến chính quyền.
Đến tháng 1.2014, ông bị thay thế bởi nhà báo người Malaysia gốc Hoa Chong Tien Siong, được cho là ủng hộ Bắc Kinh, và một tháng sau thì Lưu bị chém. Theo tờ SCMP, vụ việc vẫn đang được điều tra và cảnh sát nhận định đây là “một cuộc dằn mặt kinh điển theo kiểu Hội Tam Hoàng”. Đến nay, chính quyền Hồng Kông cương quyết khẳng định mọi đồn đoán về sự dính líu giữa nhà chức trách với xã hội đen là “chuyện nực cười”.
Chức vụ và chuyện “số má” Theo sách Understanding Organized Crime (tạm dịch: Tìm hiểu tội phạm có tổ chức) của tác giả Stephen L.Mallory, các băng nhóm thuộc Hội Tam Hoàng có cơ cấu tổ chức tương đối chặt chẽ, “phân chia lao động” khá rõ ràng (xem biểu đồ). Đặc biệt, mỗi chức vụ được gán cho một con số được tính ra dựa trên Kinh Dịch. Những con số này mang ý nghĩa rất huyền bí mà chỉ có các thành viên cấp cao mới hiểu. Riêng chức đường chủ quản lý các địa bàn do thuộc “ngành ngang” nên không có con số riêng mà mỗi tay đường chủ có thể mang số tương ứng với vị trí của mình trong “ngành dọc”. Cấp thấp nhất là “Đèn lồng xanh” chỉ những tên “trẻ trâu” mới tập tành bước vào con đường tội phạm, chưa được làm lễ kết nạp nên chưa được phân số. Bọn này phải cố sức làm theo lệnh các “anh đại” để mong một ngày được chính thức nhập băng. Từ những đặc điểm trên của giới xã hội đen nói tiếng Hoa đã nảy sinh những tiếng lóng như “số má” chỉ độ cộm cán của một tên tội phạm hoặc “lấy số” chỉ hành vi phạm tội táo tợn để tạo tên tuổi. |
Trọng Kha
Bình luận (0)