Quyết định của ông Duterte khiến chính nội bộ Philippines lo lắng, nhiều cựu quan chức lẫn các quan chức cấp cao đương nhiệm lo lắng việc hủy VFA sẽ là “thảm họa quốc gia” cho nước này, Trung Quốc sẽ càng “được nước làm tới” trên Biển Đông.
Trong khi đó, nhìn lại cục diện thế trận quân sự trên Biển Đông thì Washington vẫn đang có nhiều động thái thể hiện quyết tâm hiện diện, tránh để Bắc Kinh xem vùng biển này như “ao nhà”.
Năm 2019, Mỹ điều động tàu chiến 7 lần thực thi tự do hàng hải (FONOP) - áp sát các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông. Với con số 7 lần, năm 2019 trở thành năm mà Mỹ thực thi FONOP trên Biển Đông nhiều nhất từ trước đến nay.
Hơn thế nữa, trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được mở ra dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington xem Đông Nam Á đóng vai trò trung tâm. Thông qua báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington cũng đã chính thức nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra trên Biển Đông là phi pháp.
Chính vì thế, khi không hiện diện quân sự thông qua Philippines bằng thỏa thuận VFA, thì nhằm đảm bảo chiến lược đã đề ra, Mỹ có thể tìm kiếm các hình thức khác, thông qua các đối tác khác. Như vậy, nhiều khả năng việc Philippines hủy VFA sẽ là bước ngoặt hình thành những hợp tác mới trong cục diện quân sự trên Biển Đông.
Bình luận (0)