Bước tiến mới trong nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài trái đất

26/08/2021 09:44 GMT+7

Dự báo giới thiên văn có thể phát hiện dấu hiệu sự sống trong 2-3 năm tới sau khi xác định lại những loại hành tinh có thể cư trú.

Tờ The Guardian ngày 26.8 đưa tin các nhà thiên văn học tại Đại học Cambridge đã nhận dạng một nhóm hành tinh mới bên ngoài hệ mặt trời có thể cư trú được, hứa hẹn tăng tốc quá trình tìm kiếm sự sống.

Trước đó, giới nghiên cứu chủ yếu tìm kiếm các hành tinh có kích thước, khối lượng, nhiệt độ và điều kiện khí quyển giống trái đất.

Tuy nhiên, các nhà thiên văn học tại Đại học Cambridge cho rằng khả năng sự sống không chỉ tồn tại ở các hành tinh như thế mà có thể còn ở các “Hải vương tinh mini”, với đường kính gấp đôi trái đất và khối lượng lớn gấp 8 lần trở lên.

Các hành tinh này được xếp vào nhóm mới của các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời có thể cư trú được, với bầu khí quyển nóng, đại dương bao phủ và chứa nhiều hydro. Những hành tinh này nhiều hơn và dễ quan sát hơn so với các hành tinh giống trái đất.

Hành tinh K2-18b, cũng thuộc nhóm “Hải vương tinh mini”, là một ví dụ và có thể còn nhiều hành tinh khác. “Đó là những thế giới đầy nước và bầu khí quyển nhiều hydro”, theo tiến sĩ Nikku Madhusudhan dẫn đầu nhóm nghiên cứu.

Ông cho rằng việc tập trung vào nhóm hành tinh trên sẽ tăng tốc nỗ lực tìm kiếm sự sống bên ngoài trái đất.

Trái đất sắp có thêm "con mắt nhìn vào quá khứ" với kính viễn vọng không gian Webb

“Trong 2-3 năm tới, chúng ta có thể thấy dấu ấn sinh học đầu tiên nếu các hành tinh này có sự sống”, ông dự báo và cho rằng viễn vọng kính không gian James Webb sẽ phóng lên vào tháng 11 có thể hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.