Campuchia trong quan hệ hữu hảo với Trung Quốc

13/10/2020 07:00 GMT+7

Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Campuchia vừa được ký kết đã tái khẳng định sự keo sơn gắn bó giữa hai nước này, vốn bao gồm cả kinh tế lẫn quân sự.

Hôm qua 12.10, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin trong khuôn khổ chuyến công du của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, đến Campuchia thì hai nước đã ký hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương. Đây là FTA đầu tiên mà Campuchia ký kết với một quốc gia khác.

Tăng mạnh đầu tư

Thời gian qua, quan hệ thương mại Trung Quốc - Campuchia ngày càng được thắt chặt. Đầu năm nay, tờ The South China Morning Post dẫn một thống kê cho thấy Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn nhất của Phnom Penh với con số lên đến 5,3 tỉ USD từ năm 2013 - 2017.
Vào năm 2017, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc đã cho Campuchia vay khoảng 2 tỉ USD kể từ năm 2004. Cùng giai đoạn, Trung Quốc đã xây dựng 70% các tuyến quốc lộ và cầu ở Campuchia. Cụ thể hơn, tổng chiều dài các con đường ở Campuchia do Trung Quốc xây dựng lên đến hơn 2.000 km, bên cạnh đó còn có 7 cây cầu lớn. Đài CGTN của Trung Quốc cũng khẳng định Phnom Penh là đối tác quan trọng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á trong chương trình Một vành đai - Một con đường.
Trung Quốc đã đầu tư xây dựng hàng loạt dự án ở Campuchia. Trong đó có cả dự án thủy điện như Hạ Sesan 2 với công suất lên đến 400 MW. Hay Tập đoàn phát triển Liên Hiệp (UDG), một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, đã đầu tư dự án Dara Sakor tại tỉnh Koh Kong (Campuchia). Theo Reuters, tổng đầu tư của UDG ở đây lên đến 3,8 tỉ USD. Dự án Dara Sakor có cả một sân bay với đường băng dài khoảng 3.400 m. Đây là đường băng dài nhất Campuchia. Từ nhiều năm trước, UDG đạt thỏa thuận thuê 45.000 ha đất ở Campuchia với thời gian lên đến 99 năm.
Vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt nhằm vào UDG với cáo buộc các dự án do tập đoàn này tham gia ở Koh Kong bao hàm cả mục đích quân sự, dẫn đến nguy cơ đe dọa an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhận khí tài quân sự

Không chỉ kinh tế, quân sự cũng là một phần đáng kể trong quan hệ hợp tác giữa Campuchia với Trung Quốc. Tuần trước, tờ The Phnom Penh Post đưa tin lực lượng quân đội Campuchia vừa tiếp nhận 75 xe quân sự do Trung Quốc tài trợ. Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, con trai Thủ tướng Campuchia Hun Sen là tướng Hun Manet, Phó tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, đã tham gia lễ tiếp nhận 290 xe tải quân sự của Trung Quốc.
Liên quan hợp tác quân sự giữa hai nước, hồi tháng 2.2020, Đài ABC của Úc công bố thông tin từ một tài liệu mật cho biết vào tháng 12.2019, một phái đoàn quân sự của Trung Quốc bí mật đến một căn cứ hải quân Campuchia. Đây là phái đoàn chuyên về lập bản đồ quân sự.
Trước chuyến công tác khoảng 3 tuần, một máy bay không người lái cỡ lớn chuyên dụng trinh sát, được cho là của Trung Quốc, bị rơi ở gần căn cứ hải quân mà đoàn công tác Trung Quốc đến làm việc. Diễn biến này khiến giới quan sát đặt ra nhiều quan tâm về sự hiện diện, hoạt động của quân đội Trung Quốc ở Campuchia.
Trong khi đó, hồi năm ngoái, tờ The Wall Street Journal dẫn thông tin từ một số quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng Campuchia và Trung Quốc đạt được thỏa thuận hợp tác quân sự ở căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville, Campuchia. Sau đó, Phnom Penh bác bỏ thông tin của tờ The Wall Street Journal. Đến gần đây, Campuchia thừa nhận đã san phẳng một cơ sở do Mỹ tài trợ ở căn cứ Ream. Hành động này bị Lầu Năm Góc cáo buộc là nằm trong thỏa thuận quân sự giữa Bắc Kinh với Phnom Penh. Campuchia tiếp tục bác bỏ cáo buộc của Lầu Năm Góc.
Thách thức cho ASEAN
Thực tế cho thấy khi Trung Quốc thắt chặt quan hệ với Campuchia thì sự đồng thuận trong nội bộ ASEAN bị ảnh hưởng. Qua FTA lần này, Campuchia cho thấy là một đối tác toàn diện của Trung Quốc. Về ngắn hạn, FTA với Trung Quốc có thể đem lại nhiều lợi ích cho Campuchia, nhưng trong lâu dài thì sự tự chủ chiến lược của Phnom Penh có thể bị tác động. Qua đó, đối với ASEAN, các vấn đề liên quan Trung Quốc có thể gặp khó khăn khi giải quyết vì khó đảm bảo sự đồng thuận. Cụ thể là đối với những vấn đề mà ASEAN không đồng nhất quan điểm với Bắc Kinh.
PGS Stephen Robert Nagy  
(Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.