Canada với chiến dịch bí mật ngăn “gián điệp” Huawei

08/03/2019 08:21 GMT+7

Canada từng loại hồ sơ xin nhập cư của 3 công dân Trung Quốc liên quan Tập đoàn viễn thông Huawei vì nghi ngờ họ là gián điệp.

Từ cuối năm 2013, 3 công dân Trung Quốc lần lượt nộp đơn xin nhập cư Canada chỉ trong vòng 10 tháng. Họ xin đến Canada theo diện lao động trình độ cao và chương trình đầu tư diện doanh nhân. Không tính quốc tịch thì điểm chung của cả ba chỉ là họ hoặc vợ/chồng họ làm việc cho Tập đoàn Huawei. Dù có hàng chục ngàn hồ sơ khác xin nhập cư Canada được xử lý nhưng hồ sơ của 3 người trên vẫn nằm ở bàn của một nhân viên di trú Canada tại Hồng Kông, được xác định trong các tài liệu mà tờ South China Morning Post (SCMP) thu được với mật danh JW00237. Theo đó, trong 4 ngày của năm 2016, viên chức JW00237 lần lượt thông báo hồ sơ của 3 người trên bị từ chối do họ hoặc vợ/chồng bị tình nghi là gián điệp.
[VIDEO] Trung Quốc cáo buộc 2 người Canada lấy cắp bí mật quốc gia

Huawei kiện chính phủ Mỹ

Theo Reuters ngày 7.3, Huawei đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ vì cấm các cơ quan liên bang nước này mua sản phẩm của tập đoàn Trung Quốc. Đơn kiện được nộp lên tòa án ở bang Texas, tập trung vào một điều khoản trong đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) được Washington thông qua hồi tháng 8.2018. Mục 889 của NDAA cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm của Huawei và một công ty Trung Quốc khác là ZTE. Luật sư của Huawei lập luận rằng quy định trong NDAA là trái với hiến pháp Mỹ. Chưa có phản hồi của Mỹ về động thái mới nhất này từ Huawei.
Ông Jean-Francois Harvey, luật sư chuyên về nhập cư Canada sống tại Hồng Kông, người đại diện cho 3 đương đơn trên, lúc đầu cho rằng cáo buộc gián điệp là do JW00237 tự gán ghép. Tuy nhiên trước các thông tin gần đây về Huawei - mà đỉnh điểm là vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu vào ngày 1.12.2018 theo yêu cầu của Mỹ, ông Harvey nghi ngờ sự việc của 3 đương đơn trên là chiến dịch bí mật và có hệ thống nhằm vào các nhân viên Huawei.
Tài liệu mà SCMP có được cho thấy 3 hồ sơ đó ban đầu do các nhân viên di trú khác nhau xử lý, song sau đó chính JW00237 truy cập cả ba, trong đó 2 hồ sơ được viên chức này vào xem chỉ cách nhau 37 phút. Theo luật sư Harvey, việc 3 hồ sơ ngẫu nhiên được chuyển đến cùng một viên chức di trú xem xét trong vòng vài ngày là rất khó xảy ra. Một cựu nhân viên di trú Canada tiết lộ thường họ không được phép chọn hồ sơ xử lý nên “rất khó xảy ra” trường hợp các hồ sơ tình cờ do cùng một người xem xét hoặc viên chức này tự ý lấy hồ sơ xử lý mà không xin phép cấp trên. “Khó có khả năng cả ba trường hợp Huawei ngẫu nhiên rơi vào tay một người, họ hẳn phải có thảo luận với cấp trên”, cựu nhân viên di trú Canada cho hay.
Theo tờ SCMP, một phát ngôn viên của Cơ quan Di trú, Tị nạn và Nhập tịch Canada (IRCC) khẳng định các hồ sơ thường được xử lý theo trình tự thời gian, đến trước thì được giải quyết trước và ngược lại. Khi được hỏi vì sao 3 hồ sơ liên quan đến Huawei lại cùng do JW00237 xem xét, đại diện của IRCC giải thích “để đạt hiệu quả cao nhất, đôi khi một số hồ sơ được giao cho cùng một người đánh giá”. Đại diện IRCC từ chối bình luận về các hồ sơ cụ thể cũng như không công bố nhân thân của JW00237.
Đến năm 2017, Canada cuối cùng rút lại các cáo buộc gián điệp và đã cho phép 3 đương đơn trên nhập cư. “Điều ngạc nhiên trong 3 trường hợp này là không có phản hồi nào từ IRCC sau khi chúng tôi nộp bản cam kết (của 3 người rằng họ không phải là điệp viên). Rồi bỗng nhiên, những người này được cấp thị thực”, ông Harvey kể. Trong một thông báo, Huawei cho biết tập đoàn có hoạt động kinh doanh và nghiên cứu ở Canada từ năm 2008. “Chúng tôi có nhân viên đi lại giữa Canada và Trung Quốc thường xuyên với thị thực du lịch và giấy phép lao động do chính phủ Canada cấp. Ngoài ra trong những năm qua, nhiều nhân viên cũ hoặc về hưu của Huawei đã nhập cư thành công vào Canada và họ đều khai quá trình công tác ở Huawei trong hồ sơ”, thông báo của Huawei ghi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.