Căng thẳng dâng cao ở Myanmar

15/03/2021 07:00 GMT+7

Số người biểu tình tử vong tiếp tục tăng ở Myanmar , trong khi đại diện chính quyền dân sự tuyên bố sẽ tìm cách trao cho người dân các quyền hợp pháp để tự vệ.

Reuters hôm qua 14.3 dẫn thông tin từ truyền thông Myanmar cho hay ít nhất 5 người thiệt mạng khi lực lượng an ninh nổ súng vào những người biểu tình chống chính quyền quân sự cùng ngày. Trong số đó có ít nhất 3 người tử vong ở TP.Yangon, một thanh niên bị bắn chết tại thị trấn Bago, gần Yangon và một người biểu tình khác thiệt mạng ở thị trấn Hpakant thuộc phía đông bắc Myanmar.
Cũng theo các nhân chứng và báo chí Myanmar, có ít nhất 13 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm 13.3, đánh dấu một trong những ngày chết chóc nhất kể từ cuộc chính biến ngày 1.2.

Ngày biểu tình đẫm máu nhất: 39 người thiệt mạng ở Myanmar

Tính đến hôm qua, số người tử vong trong các cuộc biểu tình chống chính biến ở Myanmar đã tăng lên hơn 80 người và hơn 2.100 người bị bắt, theo Reuters dẫn số liệu từ Hội Hỗ trợ tù nhân chính trị ở Myanmar. Trong khi đó, kênh MRTV thuộc chính quyền quân sự Myanmar tối 13.3 đưa tin những người biểu tình chống chính biến bị đưa vào diện “tội phạm”.
Trước tình trạng số thương vong gia tăng, trong bài phát biểu trên Facebook ngày 13.3, quyền Phó tổng thống Mahn Win Khaing Than của chính quyền dân sự Myanmar cảnh báo: “Đây là thời điểm đen tối nhất của đất nước”. Ông Mahn Win Khaing Than được đại diện các nghị sĩ bị chính quyền quân sự bãi nhiệm bầu làm quyền phó tổng thống hồi tuần trước. Những nghị sĩ này hôm 2.2 đã lập Ủy ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH) để lên án chính quyền quân sự.

Nhiều người khiêng quan tài của Ye Swe Oo (20 tuổi, bị bắn chết trong cuộc biểu tình chống chính biến ở TP.Mandalay) ngày 14.3

Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu, ông Mahn Win Khaing Than cho hay CRPH sẽ cố gắng “đưa ra những luật được yêu cầu để người dân có quyền tự vệ” và việc quản lý hành chính công sẽ được một “nhóm điều hành lâm thời của nhân dân” đảm nhiệm.
Ông còn cam kết CRPH sẽ đeo đuổi cuộc “cách mạng” nhằm lật đổ chính quyền quân sự. CRPH đã gặp đại diện của các tổ chức vũ trang thiểu số, vốn đang kiểm soát một số khu vực rộng lớn ở Myanmar, và vài tổ chức đã cam kết ủng hộ. CRPH cũng tuyên bố chính quyền quân sự Myanmar là “tổ chức khủng bố”.
Chính quyền quân sự Myanmar chưa có phản ứng đối với phát biểu trên của ông Mahn Win Khaing Than, nhưng trước đó đã tuyên bố CRPH là phi pháp và cảnh báo bất kỳ ai có liên hệ với tổ chức này có thể bị khởi tố về tội phản quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.