Xe

Căng thẳng Mỹ - Iran: Việt Nam tạm dừng đưa lao động sang Trung Đông

08/01/2020 19:30 GMT+7

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động dừng ngay việc đưa người lao động Việt Nam sang Trung Đông do tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong những ngày qua.

Tại cuộc họp với Cục Quản lý lao động ngoài nước chiều 8.1, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, tình hình Trung Đông đang hết sức phức tạp và dự báo còn có thể phức tạp hơn.
Vì vậy, ngoài yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước có văn bản chỉ đạo doanh nghiệp tạm dừng đưa lao động sang thị trường này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH còn yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước nắm tình hình và phối hợp với Bộ Ngoại giao để có thông tin kịp thời.
Trong năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu lao động tập trung vào các thị trường truyền thống và mở địa bàn khai thác thị trường Đức. “Với thị trường Trung Đông không khuyến khích doanh nghiệp khai thác, thời này phải đóng cửa ngay thị trường, nếu doanh nghiệp nào không chấp hành sẽ đình chỉ hoạt động”, ông Dung nói.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Quản lý lao động trong chiều 8.1, hiện số lượng lao động ở khu vực Trung Đông giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 10.000 người, chủ yếu Ả rập Xê út 7.000 người, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) 3.000 người và số ít ở một số quốc gia khác.
Trước tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang có thể dẫn đến xung đột vũ trang ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi (bao gồm Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Quatar, Ả rập Xê út, Oman, Kuwait, Bahrain, Israel, Angieri), để đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động, cũng như việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam đang làm việc tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, trong ngày 8.1, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công ty sử dụng lao động và các bên liên quan có phương án bảo vệ an toàn, an ninh cho người lao động và sơ tán khi có nguy cơ chiến tranh xảy ra.
Mỗi doanh nghiệp phải thiết lập đường dây nóng (số điện thoại, email của 1 lãnh đạo và 1 cán bộ thị trường) để theo dõi diễn biến tình hình, có biện pháp ứng phó khi xảy ra phát sinh.
Các doanh nghiệp phải lập danh sách số lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trình,… số điện thoại, email, đầu mối liên hệ của các nhóm lao động và cán bộ đại diện doanh nghiệp tại thị trường gửi Ban Quản lý lao động tại địa bàn và Cục Quản lý lao động ngoài nước để theo dõi, quản lý và hỗ trợ khi cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.