Đêm 9.1 rạng sáng 10.1 (giờ VN), truyền thông Mỹ thông tin Tổng thống Donald Trump tình nghi “ai đó mắc sai lầm” trong vụ máy bay Ukraine rơi ở Iran. Nghi án được đưa ra sau khi giới chức tình báo Mỹ cho rằng chiếc Boeing 737-800NG của Ukraine bị bắn hạ bằng tên lửa.
Thảm kịch 176 người chết giữa điểm nóng
Trước đó, rạng sáng ngày 8.1, Tehran khai hỏa hàng loạt tên lửa nhằm vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq nhằm trả đũa vụ Washington tiến hành tấn công giết chết tướng Qasem Soleimani - Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran.
Sau vụ Tehran phóng tên lửa, một máy bay Boeing 737-800NG của hãng Ukraine International Airlines (chuyến bay PS752) đã bị rơi sau khi vừa cất cánh từ sân bay Imam Khomeini ở Tehran ngày 8.1.
Tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng. Ban đầu, chính quyền Iran cho rằng lý do máy bay rơi là vì vấn đề kỹ thuật.
|
Tuy nhiên, một số phân tích nghi ngờ về tính xác thực của nguyên nhân trên. Đến tối qua 9.1, truyền thông Mỹ dẫn lời Tổng thống Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng đặt vấn đề: “Tôi có những mối nghi ngờ. Máy bay đang bay trong một khu vực nguy hiểm và ai đó có thể đã mắc sai lầm. Một số người cho rằng nguyên nhân là do sự cố kỹ thuật. Cá nhân tôi không tin vào điều đó… Điều gì đó rất khủng khiếp đã xảy ra”.
Ông Trump đưa ra tuyên bố này ngay sau khi đài CBS và CNN đồng loạt dẫn lời các quan chức tình báo cho biết họ tin rằng Iran đã bắn hạ máy bay của hãng Ukraine International Airlines.
Máy bay nổ tung giữa trời?
Các quan chức tình báo Mỹ tin chắc rằng máy bay Ukraine nổ tung trong không trung là do trúng tên lửa phòng không của Iran. Họ phát hiện một hệ thống radar đã bật lên trước khi hai tên lửa được phóng, tiếp đó là vụ nổ xuất phát từ máy bay, theo CBS.
Hai quan chức Lầu Năm Góc cho biết lực lượng phòng không Iran có thể đã bắn nhầm trong lúc phòng thủ trước nguy cơ Washington trả đũa sau khi Tehran tấn công bằng tên lửa nhắm vào các căn cứ có lính Mỹ trú đóng ở Iraq cùng ngày 8.1, theo Newsweek.
|
Trong khi đó, các điều tra viên Iran khẳng định đây là một vụ tai nạn nhưng từ chối bàn giao hộp đen cho những nhà điều tra quốc tế, hãng Boeing hay Mỹ. Theo các chuyên gia hàng không, chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới có khả năng phân tích dữ liệu hộp đen, bao gồm Anh, Pháp, Đức và Mỹ. Đáng chú ý là truyền thông Iran đưa tin hai hộp đen đã bị hư hỏng khiến một số phần của dữ liệu ghi âm trong buồng lái đã bị mất.
Nhiều chỉ dấu đáng ngờ
Trong khi đó, đoạn video mới công bố thể hiện khoảnh khắc máy bay Ukraine nổ tan tành thành nhiều mảnh sau khi Iran công bố thông tin cho rằng phi công cố điều khiển máy bay quay trở lại sân bay vì sự cố kỹ thuật.
Đài truyền hình nhà nước Iran ngày 9.1 phát sóng đoạn video dài 28 giây từ camera hành trình trên xe hơi cho thấy chiếc 737-800NG bốc cháy, nổ tung trên bầu trời làm bừng sáng cả con đường tối rồi rơi xuống từ độ cao 2.438 m. Vụ nổ đã khiến các mảnh vỡ máy bay văng khắp nơi.
Trong một báo cáo sơ bộ, Cơ quan Hàng không Dân dụng Iran khẳng định máy bay gặp sự cố kỹ thuật, bốc cháy khi cố quay trở lại sân bay, nhưng phi công không thông báo tình trạng khẩn cấp trước khi máy bay rơi.
Tuy nhiên, chính phủ Ukraine tuyên bố sẽ tiến hành điều tra khả năng máy bay bị bắn hạ bằng tên lửa do Nga sản xuất. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố quyết tìm ra chân tướng “sự thật” và nước này sẽ tổ chức quốc tang cho các nạn nhân thiệt mạng.
Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine, tuyên bố máy bay bị bắn hạ bằng tên lửa là một trong số những “giả thuyết chính” trong cuộc điều tra bao gồm va chạm, nổ động cơ hoặc khủng bố.
Nhóm 45 chuyên gia tên lửa của Ukraine muốn xác định liệu rằng tên lửa Tor do Nga sản xuất có thể đã được dùng để bắn hạ máy bay hay không. Các chuyên gia đang chờ chính quyền Iran cấp phép để đến kiểm tra hiện trường và tìm kiếm các mảnh vỡ của tên lửa, ông Danilov nói.
Hồi năm 2007, Nga đã giao 29 tên lửa Tor-M1 cho Iran theo hợp đồng trị giá 700 triệu USD ký kết tháng 12.2005. Hệ thống tên lửa này từng xuất hiện trong các cuộc duyệt binh ở Iran.
|
Công ty tư vấn IHS Markit (Anh) đánh giá máy bay Ukraine “có khả năng rất cao đã bị lực lượng phòng không Iran bắn nhầm". IHS Markit cho rằng các bức ảnh mảnh vỡ tên lửa là “đáng tin cậy” và lực lượng phòng không Iran có thể đã nhầm tưởng chiếc Boeing 737-800NG là máy bay quân sự Mỹ.
Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng ra thông báo kêu gọi các nước phương Tây cung cấp bất kỳ bằng chứng nào mà họ có để hỗ trợ công tác điều tra.
Trong một thông báo, hãng Ukraine International Airlines đã loại trừ khả năng phi công có lỗi trong vụ tai nạn thảm khốc này. Bên cạnh đó, chiếc máy bay gặp nạn mới được đưa vào sử dụng khoảng 3 năm và vừa trải qua đợt bảo trì hôm 6.1, theo Ukraine International Airlines.Các chuyên gia hàng không và cựu phi công cho rằng họ khó có thể tin Boeing 737-800NG rơi vì gặp sự cố kỹ thuật.
Danh sách nạn nhân có 82 hành khách là người Iran, 63 người Canada, 3 người Anh, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Điển, 4 người Afghanistan và 3 người Đức.
|
Bình luận (0)