Chiến dịch tiêm chủng lịch sử phòng Covid-19

26/02/2021 07:00 GMT+7

Thế giới đang đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng vắc xin trong nỗ lực đối phó đại dịch Covid-19 , từng bước mở cửa lại và phục hồi nền kinh tế.

Theo Bloomberg, thế giới đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử để đối phó đại dịch vốn đã khiến hơn 112 triệu người mắc và gần 2,5 triệu người tử vong. Tính đến hôm qua, hơn 218 triệu liều vắc xin thuộc 7 loại khác nhau đã được tiêm tại 99 nước. Theo Bloomberg, 7 loại vắc xin hiện được sử dụng trên thế giới gồm của các hãng Pfizer-BioNTech (Mỹ - Đức), Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh), Gamaleya (Nga), Sinovac, Sinopharm và CanSino (Trung Quốc).

Tăng tốc tiêm chủng

Trên quy mô toàn cầu, với tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 hiện nay vào khoảng 6,14 triệu liều/ngày, ước tính thế giới sẽ mất 5 năm mới đạt tỷ lệ tiêm chủng 75% dân số. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng ngày càng tăng tốc và những vắc xin mới dự kiến sẽ sớm được sử dụng. Việc phân phối và tiến độ tiêm vắc xin tại các nước cũng không đồng đều, trong đó Israel gây ấn tượng khi dẫn đầu với tỷ lệ tiêm chủng đạt 86% dân số, theo sau là Seychelles (73,4%), UAE (53,6%) và Anh (28,3%). Tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, hiện có hơn 66,5 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm, với tiến độ đạt 1,3 triệu liều/ngày trong tuần qua.

Vắc xin Covid-19 "một phát ăn ngay" của Johnson & Johnson có thể được tiêm ở Mỹ vào tuần tới

Châu Á cũng bước vào tuần tất bật khi một số nước như Thái Lan, Việt Nam vừa nhận lô vắc xin đầu tiên, trong khi một số đã và đang triển khai tiêm chủng đại trà. Philippines cũng sẽ nhận lô vắc xin đầu tiên vào ngày 28.2, gồm 600.000 liều của Sinovac do Trung Quốc viện trợ, và sẽ tiến hành tiêm chủng vào ngày 1.3. Indonesia cũng sẽ nhận ít nhất 2 triệu liều vắc xin của Sinopharm, bên cạnh các vắc xin khác như Novavax (Mỹ) và AstraZeneca, nhằm chủng ngừa cho 181,5 triệu người trong vòng 1 năm. Tại Singapore, Bộ Y tế hôm qua cho hay lô vắc xin đầu tiên của Sinovac đã được bàn giao vào ngày 23.2 và đang chờ chứng nhận của nước này. Singapore đã triển khai tiêm vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna trong 2 tháng qua.

Triển khai COVAX

Trong khi đó, nhiều nước đang hy vọng sẽ nhận được vắc xin Covid-19 từ sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu. Theo Đài NPR, Ghana trở thành nước đầu tiên tiếp nhận vắc xin dưới sáng kiến COVAX vào ngày 24.2 (giờ địa phương), đánh dấu bước quan trọng trong việc triển khai nỗ lực chia sẻ vắc xin công bằng, sau nhiều lo ngại. Trong đợt đầu, Ghana nhận 600.000 liều vắc xin của AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất.

Vắc xin ngừa Covid-19 vừa về Việt Nam công hiệu ra sao?

Ghana được chọn tiếp nhận đầu tiên vì đáp ứng các điều kiện về thông qua kế hoạch phân phối và tiêm chủng trên toàn quốc. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc các nước được nhận vắc xin dưới sáng kiến COVAX bao gồm tốc độ chứng nhận và cung cấp giấy phép nhập khẩu vắc xin. WHO cho biết COVAX sẽ tiếp tục phân phối vắc xin đợt đầu đến các nước khác, trong đó còn có vắc xin của Pfizer-BioNTech. “Các đợt giao hàng là khởi đầu của chiến dịch phân phối vắc xin lớn nhất lịch sử”, theo ông Francis Kasolo, đại diện của WHO tại Ghana.
COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỉ liều vắc xin một cách công bằng trên thế giới trước thời điểm cuối năm nay. Ban đầu, Mỹ không tham gia sáng kiến này nhưng Tổng thống Joe Biden sau khi nhậm chức đã cam kết sẽ chi khoảng 4 tỉ USD đóng góp cho sáng kiến. Phát biểu sau khi sáng kiến COVAX phân phối lô vắc xin đầu tiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đó chỉ là bước đầu trong việc tiến đến chia sẻ vắc xin một cách công bằng. “Chúng ta sẽ không chấm dứt được đại dịch ở bất cứ nơi đâu trừ khi chúng ta chấm dứt nó tại mọi nơi”, ông nhấn mạnh.

Tân Tổng giám đốc WTO: bất bình đẳng vắc xin Covid-19 là 'vô lương tâm'

Nghiên cứu vắc xin đối phó biến thể vi rút
Đài CNBC hôm qua đưa tin Hãng Moderna đang phối hợp với các nhà khoa học của chính phủ Mỹ nghiên cứu một vắc xin bổ sung nhằm đối phó biến thể mới của vi rút gây Covid-19. Hãng đã sản xuất vật liệu thô cho liều bổ sung nhằm phòng ngừa biến thể vi rút xuất hiện đầu tiên tại Nam Phi, do biến thể này có khả năng kháng các vắc xin hiện tại cao hơn. Moderna đã chuyển vắc xin đến Viện Y tế quốc gia Mỹ, nơi đã giúp hãng phát triển vắc xin hiện dùng, để nghiên cứu thêm.
Châu Âu nỗ lực phòng chống dịch
Reuters hôm qua đưa tin nhiều nước châu Âu tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch, do lo ngại làn sóng lây nhiễm tiếp theo. CH Czech đang thảo luận áp dụng thêm biện pháp khác, bên cạnh quy định hiện nay là đóng cửa nhà hàng, cơ sở giải trí và phần lớn trường học. Thụy Điển sẽ buộc các nhà hàng, quán bar, quán cà phê đóng cửa trước 20 giờ 30 kể từ ngày 1.3, đồng thời giới hạn số khách. Tại Phần Lan, Thủ tướng Sanna Marin hôm qua thông báo phong tỏa toàn quốc 3 tuần kể từ ngày 8.3, sau khi số ca mắc Covid-19 tăng trở lại. Cùng ngày, Pháp thông báo quy định mới buộc những lao động di chuyển xuyên biên giới với Đức phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 nếu mục đích đi lại không liên quan công việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.