Chiến hạm mang vũ khí tối tân của Mỹ hoạt động ở Biển Đông

30/01/2020 14:43 GMT+7

Hải quân Mỹ triển khai 2 tàu tác chiến cận bờ hoạt động ở Biển Đông, trong đó có một chiếc được trang bị tên lửa tấn công trên biển mới được cho là có thể thay đổi cán cân sức mạnh tại Thái Bình Dương.

Hải quân Mỹ đăng một bức ảnh với chú thích 2 tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords hoạt động ở Biển Đông vào ngày 28.1. Hải quân Mỹ còn nhấn mạnh hai tàu “Montgomery và Gabrielle Giffords đang trong đợt triển khai luân phiên tới Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thực hiện các hoạt động, tập trận và thăm cảng khắp khu vực, làm việc cùng với hải quân của các đối tác và đồng minh nhằm cung cấp an ninh và ổn định trên biển, trụ cột chính của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Trong đó, tàu USS Montgomery ngày 25.1 đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP), di chuyển gần Đá Gạc Ma và Đá Chữ Thập, hai thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo. Đây là đợt FONOP đầu tiên trong năm 2020 ở Biển Đông.

Tàu chiến Mỹ đi vào biển Đông

Còn USS Gabrielle Giffords là tàu tác chiến cận bờ đầu tiên của Mỹ được trang bị tên lửa tấn công trên biển (NSM) mới. Đây là loại tên lửa hành trình chống hạm có khả năng tàng hình và rất khó phát hiện trên radar. NSM có thể cơ động để tránh hệ thống phòng thủ của đối phương, theo Raytheon, nhà thầu chính của tên lửa này.
NSM có tầm bắn hơn 185 km, xa hơn 30% so với tên lửa diệt hạm Harpoon hải quân Mỹ sử dụng lâu nay. Tên lửa mới còn được kết nối với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout để trinh sát và truy lùng nhiều mục tiêu khác nhau.
Trước đó, cựu đại tá hải quân Mỹ Carl Schuster nhận định MQ-8B Fire Scout được xem là “con mắt ngoài tầm radar” cho USS Gabrielle Giffords, giúp tàu có thể tấn công những mục tiêu không thể nhìn thấy trên radar, theo CNN.

[VIDEO] Hiện diện Hải quân Mỹ tại Biển Đông là "nhất quán"

Khi tàu USS Gabrielle Giffords sở hữu NSM được triển khai hồi tháng 9.2019, ông Schuster cho rằng động thái này gửi một thông điệp quan trọng và có thể “thay đổi cục diện” tại vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Chuyên gia Timothy Heath thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách Rand Corp (Mỹ) thì nhận định NSM có thể gửi thông điệp tới không chỉ cho Trung Quốc mà còn nhắn gửi những đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Tôi dự đoán hải quân Mỹ sẽ triển khai thêm nhiều LCS hoạt động ở Biển Đông nhằm giảm tải gánh nặng cho những khu trục hạm và tàu tuần dương đang đảm trách phần lớn những cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực”, ông Heath cho CNN hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.