Đài CNN dẫn lời người phát ngôn Hạm đội 3, ông John Fage xác nhận tàu USS Gabrielle Giffords vừa rời khỏi căn cứ hải quân San Diego đầu tháng này. Ông Fage nhấn mạnh những loại vũ khí mới trên tàu sẽ giúp tăng cường năng lực tấn công của Hải quân Mỹ.
Cụ thể, NSM là loại tên lửa hành trình khó bị phát hiện bằng radar và có thể tránh được hệ thống phòng thủ của quân địch, theo hãng chế tạo Raytheon (Mỹ). Tên lửa này cùng với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout được trang bị trên tàu chiến USS Gabrielle Giffords để truy lùng nhiều mục tiêu khác nhau.
USS Gabrielle Giffords là tàu chiến đầu tiên được trang bị NSM và trong tương lai sẽ là hơn 30 chiếc LCS, giới chức Hải quân trình bày trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi đầu năm nay.
Điểm đáng chú ý là NSM có tầm bắn hơn 100 hải lý (185 km), xa hơn 30% so với tên lửa diệt hạm Harpoon của Hải quân Mỹ. Bên cạnh đó, khả năng hoạt động phối hợp với MQ-8B Fire Scout giúp USS Gabrielle Giffords có thể tấn công những mục tiêu không thể nhìn thấy trên radar của tàu chiến. Còn MQ-8B Fire Scout được xem là “con mắt ngoài tầm radar” cho chiến hạm này, theo nhà phân tích, chuyên gia-cựu đại tá Hải quân Carl Schuster nhận định.
|
USS Gabrielle Giffords thuộc lớp tàu tác chiến ven bờ (LCS) có kích thước tương đối nhỏ, chuyên cơ động trong vùng biển nông nhưng được trang bị tên lửa chính xác, có khả năng phát hiện kẻ thù nhanh chóng và tầm bắn trên 100 hải lý. Một tàu chiến thuộc lớp này, chiếc USS Montgomery, đã được triển khai tới hạm đội Thái Bình Dương vào tháng 6.2019.
Hải quân Mỹ không nêu cụ thể USS Gabrielle Giffords sẽ di chuyển đến đâu vì lý do an ninh. Hãng tin UPI trích lời một quan chức hải quân Mỹ nói tàu đang được điều đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo UPI, tàu Montgomery hiện đang ở Vịnh Thái Lan, và một chiến hạm lớp LCS thứ 3 cũng sẽ đến Thái Bình Dương.
Theo người phát ngôn Fage, USS Gabrielle Giffords sẽ "tiến hành chiến dịch đảm bảo an ninh hàng hải và duy trì sự hiện diện hải quân". Cựu đại tá Hải quân Carl Schuster đánh giá động thái của Mỹ là “thông điệp quan trọng” cho Trung Quốc và có thể “thay đổi cục diện” tại vùng biển Tây Thái Bình Dương.
“Sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ trong khu vực buộc Trung Quốc phải hoạt động dè chừng ở Biển Đông”, chuyên gia Timothy Heath thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách Rand Corp., nhận định.
“Lầu Năm Góc đang xây dựng lực lượng quân sự hoạt động trên nền tảng bền vững và có khả năng chiến đấu, chống lại chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực (A2/AD) nguy hiểm của Trung Quốc”, theo chuyên gia Heath. Trong A2/AD, Trung Quốc điều động nhiều tàu chiến, máy bay và tên lửa để kiểm soát một số khu vực ở Thái Bình Dương.
Lâu nay, Mỹ lên án việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng động thái điều động chiến hạm USS Gabrielle Giffords sẽ giúp Mỹ cân bằng cán cân quyền lực ở Biển Đông và Thái Bình Dương.“Tôi dự đoán Hải quân Mỹ sẽ triển khai thêm nhiều LCS hoạt động ở Biển Đông, giảm tải gánh nặng cho những khu trục hạm và tàu tuần dương đang đảm trách đa phần cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực”, chuyên gia Heath cho hay.
Bình luận (0)