Chiến lược Indo-Pacific được Mỹ giải mật có nội dung gì?

14/01/2021 21:02 GMT+7

Chiến lược Indo-Pacific bất ngờ được Mỹ giải mật sau khoảng 3 năm, thay vì giữ bí mật trong ít nhất 30 năm như các tài liệu tương tự.

Theo trang Axios, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công khai tài liệu an ninh quốc gia cho thấy chi tiết về chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), trong đó có kế hoạch đối phó Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Giới quan sát cho rằng việc giải mật tài liệu trên, diễn ra vài ngày trước khi ông Trump trao chìa khóa Nhà Trắng cho Tổng thống tân cử Joe Biden, có thể nhằm hướng tân tổng thống theo tầm nhìn đã đặt ra, cũng như trấn an các đồng minh về sự hiện diện tiếp diễn của Mỹ.
Tài liệu hướng dẫn chiến lược cho các hành động của Mỹ trong khu vực thể hiện minh bạch về các cam kết chiến lược của Mỹ đối với Indo-Pacific và với các đồng minh, đối tác, theo thông cáo của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đăng kèm tài liệu.
Theo The Japan Times, những tài liệu như thế này thường được giữ bí mật trong 30 năm. Theo chuyên gia Rory Medcalf tại Đại học Quốc gia Úc, điều này xác nhận chính sách chiến lược của Mỹ ở Indo-Pacific có một phần cốt yếu là vì các đồng minh và đối tác, đặc biệt là Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
Được soạn thảo vào năm 2017, và ký bởi Tổng thống Trump trong năm 2018, tài liệu dài 10 trang đặt ra các ưu tiên chiến lược của Mỹ ở Indo-Pacific. Trong đó có thách thức an ninh quốc gia hàng đầu: “Làm thế nào để duy trì sự ưu việt chiến lược của Mỹ ở Indo-Pacific và phát huy trật tự kinh tế tự do, trong khi ngăn chặn Trung Quốc thiết lập ảnh hưởng môi trường ảnh hưởng bó buộc”.
Theo đó, một phần của chiến lược là cam kết có chiến lược phòng thủ đủ năng lực để đối phó Trung Quốc trên không và trên biển trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất, bảo vệ các bên trong phạm vi này, bao gồm Đài Loan, và giành lợi thế trên mọi lĩnh vực bên ngoài phạm vi này. Chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ các đảo phía bắc Nhật Bản cho đến Philippines và Indonesia.
Tài liệu còn đề cập đến nhu cầu liên kết chiến lược Indo-Pacific với Úc, Ấn Độ và Nhật, cũng như nhu cầu tăng cường hợp tác giữa các bên trong “bộ tứ kim cương”.
Phản hồi đề nghị nêu bình luận về tài liệu trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, nhắc lại lập trường của Việt Nam là mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến liên kết, kết nối ở khu vực góp phần đảm bảo hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
"Lập trường này đã được Việt Nam và các nước ASEAN chia sẻ trong tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gọi tắt là AOIT", bà Hằng khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.