Trả lời Thanh Niên về hội nghị của ngoại trưởng “bộ tứ kim cương” vừa diễn ra ở Nhật Bản, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) đánh giá: “Những lời chỉ trích mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mike Pompeo đối với Trung Quốc đã không được lặp lại bởi ngoại trưởng các nước Nhật, Úc và Ấn Độ. Nhưng 4 ngoại trưởng đều đã đồng ý thường xuyên tổ chức các cuộc gặp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác tới các thành viên mở rộng”.
Nói rõ hơn, ông Sato chỉ ra: “Thỏa thuận hợp tác thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng cao nhằm ứng phó số lượng vượt trội của các dự án được Trung Quốc cho vay nằm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua sáng kiến Một vành đai - Một con đường”.
Phối hợp kinh tế nhiều mặt
Thực tế, từ năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe đã công bố sáng kiến “Quan hệ đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng” với kế hoạch chi ra 200 tỉ USD hỗ trợ các nước trong khu vực để xây dựng các cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Cuối năm 2019, Tokyo tái khẳng định tăng cường viện trợ cho các nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, Nhật hợp tác với Mỹ đạt được thêm các thỏa thuận phối hợp chi ra nhiều tỉ USD để hỗ trợ các nước khác. Nhằm thực thi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng chi ra khoảng 4,5 tỉ USD hỗ trợ khu vực này. Các khoản tiền trên nhằm hình thành đối trọng với các khoản cho vay của Trung Quốc ở khu vực.
Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19, chiến lược chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc cũng đã được Nhật Bản và Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ. Hồi tháng 4, Nhật đã công bố chương trình hỗ trợ tài chính lên đến 2,2 tỉ USD để các doanh nghiệp nước này chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Cuối tháng 9, tại một hội đàm trực tuyến, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiết lộ nước này đang thảo luận với Nhật và Úc để chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 5, Tổng thống Trump công bố sáng kiến Mạng lưới kinh tế thịnh vượng nhằm ứng phó với sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc giữa bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Mạng lưới kinh tế thịnh vượng gồm “tứ giác kim cương” mở rộng thêm 3 đối tác Việt Nam - Hàn Quốc - New Zealand).
Như vậy, “bộ tứ kim cương” đang tăng cường các hợp tác kinh tế sâu sắc để làm đối trọng với Trung Quốc.
Tăng cường hợp tác quân sự
Về quân sự, cả 4 thành viên của bộ tứ đều đã ký kết song phương với nhau về thỏa thuận “Thu nhận và dịch vụ tương hỗ” (ACSA) hoặc thỏa thuận “Hỗ trợ hậu cần” (LEMOA). Hai dạng thỏa thuận này giống nhau, cho phép quân đội của các nước tham gia thỏa thuận có thể tiếp cận căn cứ quân sự của nhau, chia sẻ hậu cần, vận tải (bao gồm cả vận tải đường không), nhiên liệu, hệ thống thông tin liên lạc…
Vừa qua, máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ đã đáp xuống quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Trước đó vài tuần, ở vùng biển Ả Rập, tàu chiến INS Talwar của Ấn Độ đã được tiếp nhiên liệu bởi tàu hậu cần của hải quân Mỹ. Cả hai sự kiện đều cho thấy các thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự mà các bên ký kết đã đi vào thực tế.
Bên cạnh đó, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) cũng đã được ký kết song phương giữa các nước: Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Ấn Độ, Mỹ - Úc, Nhật Bản - Ấn Độ. Nhật Bản và Úc không có hiệp định song phương tương tự G-SOMIA, nhưng liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) lại có thỏa thuận hợp tác tình báo với Nhật Bản. Dựa vào khung hợp tác này, Tokyo và Canberra có thể chia sẻ thông tin tình báo.
Như vậy, những thỏa thuận trên đã hình thành các hợp tác quân sự sâu sắc, cho phép tạo ra một mạng lưới đồng minh ở cấp độ nhất định.
Thực tế là các cuộc gặp của “bộ tứ kim cương” đã trở nên thường xuyên hơn và cho thấy cả 4 thành viên đều đang thực hiện cam kết của nhau. Và tất nhiên, sự lo lắng về Trung Quốc chính là chất keo kết dính của bộ tứ. Tuy nhiên, cuộc gặp của 4 ngoại trưởng “bộ tứ kim cương” mới đây cho thấy 3 thành viên còn lại không tán thành, cũng có thể là chưa tán thành, về cách tiếp cận của Mỹ.
Ông Greg Poling (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ)
|
Bình luận (0)