Ngày 12.1, các hãng hàng không Ấn Độ bắt đầu phân phối các lô vắc xin Covid-19 trên khắp cả nước, sẵn sàng thực hiện chương trình tiêm chủng cho 1,3 tỉ người, dự kiến bắt đầu từ ngày 16.1, theo Reuters. Giới chức Ấn Độ hy vọng sẽ tiêm vắc xin miễn phí cho 300 triệu người có nguy cơ cao trong vòng 6 - 8 tháng, trong đó 30 triệu y tá, bác sĩ và nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu sẽ được ưu tiên tiêm trước rồi đến 270 triệu người khác.
Tương tự, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 11.1 tuyên bố chính phủ sẽ cung cấp vắc xin Covid-19 miễn phí cho tất cả người Hàn Quốc từ tháng tới, theo Yonhap.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua cho hay một nhóm chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ từ Singapore đến TP.Vũ Hán vào ngày 14.1 để điều tra nguồn gốc vi rút gây Covid-19, nhưng không cung cấp chi tiết.
Trước đó, một chuyên gia y tế thuộc WHO cho rằng khả năng nhóm điều tra đưa ra kết luận từ chuyến làm việc tại Trung Quốc sắp tới là “rất thấp”, theo Reuters. Vi rút gây Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, đến nay đã lây nhiễm cho khoảng 91 triệu người trên toàn cầu, với gần 2 triệu người chết
|
Tuy nhiên, Thị trưởng TP.New York Bill de Blasio cho hay thành phố này có thể cạn kiệt vắc xin nếu chính quyền liên bang không cung cấp thêm. Ông de Blasio cam kết tiêm vắc xin Covid-19 cho 1 triệu người ở New York trước cuối tháng 1.
Tính đến ngày 8.1, có 42 quốc gia đã bắt đầu hoặc chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong cuộc họp báo hôm qua, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cảnh báo sẽ còn phải mất nhiều thời gian mới có thể sản xuất và cung cấp đủ liều vắc xin Covid-19 để ngăn chặn đại dịch lây lan. “Chúng ta sẽ không đạt được bất kỳ mức độ miễn dịch cộng đồng nào trong năm 2021”, bà Swaminathan cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì giãn cách xã hội, rửa tay và đeo khẩu trang, theo Đài NHK.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia y tế đang lo ngại những biến thể mới của vi rút gây Covid-19 đang lây lan nhanh và đại dịch vẫn còn bùng phát phức tạp, khó lường tại nhiều nơi. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm qua ban bố tình trạng khẩn cấp cho 3 tỉnh Osaka, Kyoto và Hyogo để ngăn chặn đại dịch.
Cùng ngày, vua Malaysia Al-Sultan Abdullah ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm ngăn chặn Covid-19. Tình trạng khẩn cấp này sẽ kéo dài đến ngày 1.8 hoặc kết thúc sớm hơn, tùy theo tình trạng của đại dịch Covid-19, theo Reuters.
Bình luận (0)