Chuyển động đa chiều trên bán đảo Triều Tiên

18/01/2018 07:46 GMT+7

Trong khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tiến hành đàm phán thì Mỹ tiếp tục gây sức ép nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Hôm qua, hai miền Triều Tiên tiếp tục tổ chức đàm phán cấp sự vụ tại Nhà Hòa bình ở làng Bàn Môn Điếm, nhằm thảo luận chi tiết về kế hoạch để đoàn Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc vào tháng 2.
Theo Yonhap dẫn thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, ngoài đoàn vận động viên, quan chức và đội biểu diễn nghệ thuật, Triều Tiên đề xuất cử đoàn cổ động viên gồm 230 người tới Pyeongchang.
Đoàn Triều Tiên cũng muốn tới Hàn Quốc thông qua biên giới trên bộ thay vì đường biển. Trên thực tế, việc di chuyển qua đường biển có thể vi phạm lệnh trừng phạt đơn phương của Hàn Quốc, với nội dung cấm cập cảng đối với bất kỳ tàu nào từng tới Triều Tiên trong vòng 12 tháng.
Trưởng phái đoàn Triều Tiên Jon Jong-su phát biểu: “Quan hệ liên Triều đã căng thẳng suốt 10 năm qua và chúng tôi hy vọng một thời kỳ tốt đẹp hơn giữa hai miền sẽ được mở ra”. Đáp lại, người đồng cấp Hàn Quốc Chun Hae-sung bày tỏ mong muốn hai bên nỗ lực để biến Thế vận hội trở thành sự kiện hòa bình, góp phần cải thiện quan hệ.
Trong lúc cuộc đàm phán liên Triều diễn ra thì ở Tây bán cầu, ngoại trưởng cùng quan chức cấp cao từ 20 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, cũng nhóm họp tại thành phố Vancouver (Canada) để bàn các biện pháp gia tăng áp lực tối đa về tài chính và ngoại giao đối với Triều Tiên. Các nước này nhất trí xem xét trừng phạt nặng nề hơn để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Trong tuyên bố chung của hội nghị, 20 nước nhất trí cân nhắc và có những bước đi nhằm áp đặt trừng phạt đơn phương vượt ra khỏi yêu cầu của nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua.
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, đồng chủ trì hội nghị, nhấn mạnh: “Trong trường hợp Triều Tiên chọn hướng đi đúng, chúng tôi sẽ đưa cho họ lựa chọn tốt nhất là đàm phán. Nếu họ xem xét tình thế quân sự, kết quả sẽ không như ý họ”.
Mặc dù là hội nghị ngoại giao nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng có mặt và đưa ra tuyên bố rằng nếu con đường ngoại giao không mang lại kết quả, lựa chọn quân sự sẽ được tính tới.
Hội nghị Vancouver lần này quy tụ những quốc gia từng hỗ trợ Hàn Quốc trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Giới quan sát nhận định Mỹ có vẻ như đang tập hợp đồng minh và gửi đi thông điệp tới cả Triều Tiên lẫn Nga và Trung Quốc về các lựa chọn của mình. Nga và Trung Quốc đều không được mời đến hội nghị, nhưng quan chức Mỹ nói sẽ thông báo kết quả cuộc họp đến hai nước này.
Sự chuẩn bị về phương án quân sự của Mỹ cũng đã được công khai trước đó cùng ngày.
Theo AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét kỹ lựa chọn quân sự khi đối phó Triều Tiên và công tác huấn luyện của quân đội đang “rất nghiêm túc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.