Chuyến thăm Triều Tiên tháo ngòi chiến tranh hạt nhân
21/04/2018 08:00 GMT+7
Ông Jimmy Carter từng làm nên lịch sử khi trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Triều Tiên, giúp giải quyết căng thẳng tột độ suýt dẫn tới chiến tranh vào năm 1994.
Tự động phát
Thế giới đang chờ đợi cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra trong tháng 5. Nếu tình hình diễn biến đúng kế hoạch, ông Trump sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng đương nhiệm đầu tiên đối thoại trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên. Nội dung trao đổi được cho là sẽ chú trọng vào vấn đề hạt nhân sau khi lãnh đạo Kim nhấn mạnh cam kết phi hạt nhân hóa. Triển vọng này gợi nhớ lại chuyến thăm Triều Tiên của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vào năm 1994 đã giúp hạ nhiệt căng thẳng khi hai nước tiến sát miệng hố chiến tranh.
Bên bờ vực
Khủng hoảng nổ ra khi trong tháng 2 và 3.1993, Triều Tiên không cho thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kiểm tra cơ sở hạt nhân của mình, đồng thời dọa rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tháng 6.1993, giới chức Washington và Bình Nhưỡng bắt đầu hàng loạt cuộc họp để thương thảo về giải pháp nhưng đến tháng 4.1994, mọi nỗ lực ngoại giao đều rơi vào bế tắc. Mỹ triển khai tên lửa đánh chặn Patriot cũng như tăng cường lực lượng đến diễn tập rầm rộ tại Hàn Quốc. Triều Tiên phản ứng bằng tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh, đồng thời chuẩn bị chuyển một số thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng ở Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon để chiết xuất plutonium đủ sản xuất 5 - 6 quả bom.
Các chiến lược gia và giới tướng lĩnh Mỹ bắt đầu phát triển kế hoạch tấn công cơ sở Yongbyon bằng tên lửa hành trình Tomahawk, chiến đấu cơ tàng hình F-117 song song với điều động tàu sân bay đến Hàn Quốc. Ngoài mục tiêu chính là tổ hợp hạt nhân Yongbyon, Mỹ cũng sẽ triệt phá chốt chỉ huy và các cơ sở pháo binh, tên lửa để giảm thiểu khả năng phản ứng nhanh của Triều Tiên.
Hành động vượt quyền vì hòa bình
Giữa lúc Nhà Trắng đang cân nhắc phương án thì cựu Tổng thống Jimmy Carter bất ngờ liên lạc với phó Tổng thống Al Gore để tỏ ý sẵn sàng đến Triều Tiên tìm kiếm đột phá về ngoại giao. Khi đó, theo chuyên trang History News Network, phần lớn nội các của ông Clinton đều phản đối vì lo ngại cựu tổng thống sẽ tìm cách tiến tới một thỏa thuận quá nhượng bộ Bình Nhưỡng. Sau những cuộc thảo luận căng thẳng, Tổng thống Clinton đồng ý để ông Carter đến Triều Tiên với hy vọng mang lại một giải pháp xuống thang căng thẳng có thể giữ thể diện cho tất cả. Tuy nhiên, Washington vẫn giới hạn vai trò của ông Carter là “một công dân bình thường có chuyến đi độc lập tới Triều Tiên, không đại diện chính phủ và không có quyền tiến tới bất kỳ thỏa thuận nào”.
|
Trong lúc không khí đang căng như dây đàn thì cửa phòng họp bật mở. “Chúng tôi được báo là Carter gọi về từ Bình Nhưỡng và ông ấy muốn nói chuyện với tôi”, Gallucci kể với CNN. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Mỹ vô cùng bất ngờ khi nghe cựu tổng thống báo ông không những tự thảo luận với Chủ tịch Kim về một thỏa thuận khung mà còn sẽ thông báo trên truyền hình. Ông Gallucci quay lại phòng họp và ngồi cùng các quan chức khác để chứng kiến cuộc họp báo của ông Carter tại Bình Nhưỡng. Khi đó, phần lớn những nhân vật trong chính quyền Mỹ đều rất giận dữ vì hành động vượt quyền của cựu tổng thống và thậm chí cáo buộc ông “gần như phản bội tổ quốc”. Chính Carter sau đó thừa nhận ông cố gắng đặt Washington vào thế đã rồi để buộc phải làm gì đó hướng tới hòa bình. “Tôi không thể phủ nhận tôi hy vọng điều đó sẽ hoàn thành giải pháp cho cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng”, ông Carter nói với giới phóng viên.
Chi tiết nội dung thương thảo giữa ông Jimmy Carter và ông Kim Nhật Thành đến nay vẫn chưa được công bố, nhưng chuyến thăm đã giúp chặn đứng một cuộc chiến tranh tiềm tàng với hậu quả không thể tưởng tượng. Trên nền tảng này, hai bên ký thỏa thuận khung vào ngày 2.10.1994 về việc Mỹ giúp xây dựng 2 lò phản ứng nước nhẹ để sản xuất điện tại Triều Tiên trước năm 2003. Đổi lại, Bình Nhưỡng dừng tất cả hoạt động hạt nhân ở Yongbyon và cho phép thanh sát viên quốc tế giám sát cơ sở này. Tiếc là đến tháng 10.2002, Bình Nhưỡng xác nhận chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân mới và Washington đình chỉ kế hoạch xây lò phản ứng. Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào tháng 1.2003, trục xuất tất cả thanh sát viên và tái kích hoạt sản xuất plutonium, dẫn tới sự cáo chung của thỏa thuận khung. Nước này tiến hành thử hạt nhân lần đầu tiên vào ngày 9.10.2006 và đến nay đã thử tổng cộng 6 lần.
|
Nỗ lực ở tuổi 93
Ông Carter đến Triều Tiên lần thứ hai vào tháng 8.2010 nhằm kêu gọi thả công dân Mỹ Aijalon Gomes, bị kết án 8 năm cải tạo lao động về tội xâm nhập trái phép. Ba ngày sau, cựu tổng thống cùng ông Gomes lên máy bay trở về nước, theo tờ The New York Times. Đến tháng 4.2011, khi ở tuổi 87, ông Carter tiếp tục cùng một nhóm cựu quan chức Mỹ đến Bình Nhưỡng nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng liên Triều dâng cao. Sau khi trở về, phái đoàn thông báo nhà lãnh đạo Kim Jong-il đồng ý đối thoại vô điều kiện với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bất cứ khi nào, nhưng cuộc gặp đã không diễn ra.
Đến nay, dù đã rất cao tuổi nhưng quyết tâm giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bằng con đường ngoại giao của ông Carter không hề giảm. Cuối tháng 9.2017, ở tuổi 93, cựu tổng thống vẫn bày tỏ sẵn sàng đến Bình Nhưỡng lần nữa để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên một lần nữa dâng cao tột độ, có nguy cơ dẫn tới chiến tranh sau khi Bình Nhưỡng tiến hành đợt thử hạt nhân mạnh chưa từng có và phóng thử tên lửa đạn đạo đủ sức vươn tới một số thành phố ở lục địa Mỹ. Tờ JoongAng Ilbo dẫn lời cựu Tổng thống Carter nhấn mạnh ông muốn tận dụng kinh nghiệm đối thoại với Triều Tiên để “ngăn chặn một cuộc chiến lần thứ hai” và mang lại “hòa bình vĩnh viễn” trên bán đảo.
Bình luận (0)