CIA và gia đình họ Ngô - Bài cuối: Ai ra lệnh giết ông Ngô Đình Diệm?

03/11/2009 23:36 GMT+7

Sự kiện anh em ông Ngô Đình Diệm bị hành quyết trong thùng xe bọc thép là một trong những bí ẩn lớn của lịch sử.

Lúc 6 giờ 20 ngày 2.11.1963, ông Diệm gọi điện đến Bộ Tổng tham mưu đòi nói chuyện với tướng Đôn. Ông nói là đồng ý đầu hàng nếu phe đảo chánh cam kết để cho anh em ông rời Việt Nam an toàn. Tướng Đôn và tướng Khiêm nói với Conein là họ cần một máy bay của Mỹ để lo việc này. Conein liên lạc ngay với tòa đại sứ, và Trưởng nhánh CIA Sài Gòn Smith đang ở đó, trả lời rằng, Pháp là quốc gia thích hợp nhất để cho anh em ông Diệm đến tị nạn. Smith cũng nói là cần 24 giờ mới có được một máy bay có thể tránh các điểm ngừng dọc đường trong không trình Sài Gòn - Paris. Conein báo lại cho các tướng lĩnh, kể cả “big” Minh, vị tướng tỏ vẻ không hài lòng với việc kéo dài thời gian như thế. u cũng là sự trả giá cho “kế hoãn binh” lần trước của ông Diệm khiến đại tá Thi thất bại.

Lúc này thì ông Diệm đã lệnh cho lực lượng phòng vệ ngưng bắn. Tướng Minh rời Bộ Tổng tham mưu để tới Dinh Gia Long. Lúc 8 giờ, một nhân viên CIA báo cáo đã thấy một chiếc quân xa đậu bên ngoài Dinh Gia Long chờ đợi anh em ông Diệm. Nhưng đến 10 giờ vẫn không thấy động tĩnh gì. Tổng hành dinh CIA ở Washington yêu cầu khẩn báo về tình hình của anh em ông Diệm, trong khi tại Sài Gòn, tin của nhánh CIA ở đó đặt giả thuyết là anh em họ Ngô đã trốn thoát.

Khi tướng Minh đi đến Dinh Gia Long lúc 6 giờ 30 thì Conein trở về tòa đại sứ. Tại đó, ông nhận lệnh phải nhắc nhở các vị tướng về sự an nguy của hai ông Diệm và Nhu, cũng như đề nghị các tướng không bắt giữ thủ lĩnh nghiệp đoàn Trần Quốc Bữu. Conein trở lại Bộ Tổng tham mưu lúc 11 giờ để tìm “big” Minh lúc đó đã từ Dinh Gia Long trở về. Số phận của anh em họ Ngô đã rõ ràng khi tướng Minh thừa nhận là cả hai đã chết. Ông Minh báo cho Conein là hai anh em ông Diệm đã tự sát trong một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Conein phản ứng giận dữ, nói là các ông tướng đã không làm theo “lệnh” của Washington, kể cả việc đã bắt giữ ông Bữu.

Trưa ngày 2.11, dù vẫn thiếu nhiều dữ kiện về cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu theo tuyên bố của “big” Minh, Chi nhánh CIA Sài Gòn báo cáo về Tổng hành dinh CIA rằng, họ nghĩ là anh em họ Ngô đã chết. Nhưng cho dù anh em ông Diệm có còn sống hay ở đâu thì một điều đã rõ ràng là chế độ của ông Diệm đã bị lật đổ. Dân chúng Sài Gòn đã đổ xuống đường phố. Họ tặng hoa cho binh lính, và đám đông dân chúng đã tụ tập, rồi đốt cháy tan tành Tổng hành dinh Phong trào Liên đới Phụ nữ của bà Ngô Đình Nhu.

Quá trưa thì tướng “big” Minh, tướng Đôn và Kim, riêng rẽ từng người báo cho Conein biết xem ông ta có muốn nhìn thi thể của ông Diệm và ông Nhu không. Conein từ chối, chấp nhận sự thật là anh em nhà họ Ngô đã chết.

Báo cáo của CIA Sài Gòn được Giám đốc CIA McCone thông báo trong cuộc họp với Tổng thống Kennedy lúc 16 giờ 30 giờ Washington, và số phận của anh em ông Diệm vẫn là điều quan tâm lớn nhất của Chính phủ Mỹ. Vào thời điểm đó, CIA Sài Gòn chỉ có thể báo cáo rằng, Conein nghĩ là thi thể của ông Diệm và ông Nhu đang đặt ở Bộ Tổng tham mưu, và Conein tin rằng “big” Minh chính là người ra lệnh hạ sát. Lý do biện minh cho suy nghĩ của Conein là tướng Minh đã tỏ ra giận dữ khi ông Diệm từ chối nói chuyện điện thoại với ông khi quân đảo chánh tấn công vào Dinh Gia Long. Conein cũng lưu ý rằng, tin tức trước đó của “big” Minh nói anh em ông Diệm tự tử chỉ là để tạo hỏa mù cho việc điều tra số phận của ông Diệm.

Việc truy tìm thông tin liên quan đến cái chết của anh em họ Ngô vẫn tiếp tục. Qua ngày 3.11, CIA Sài Gòn có được tấm ảnh chụp ông Diệm và ông Nhu nằm chết trong xe bọc thép, tay bị trói thúc ké về phía sau. Những tấm ảnh này là của phóng viên ảnh của quân đội Sài Gòn. Nhân viên CIA đã nắm được tin tức là anh em ông Diệm bị bắt ở một nhà thờ trong Chợ Lớn. Hầu hết các thông tin mà nhân viên CIA Sài Gòn thu lượm được đều đổ cho tướng Dương Văn Minh về quyết định sát hại anh em họ Ngô. Nhưng vài báo cáo chậm hơn thì đặt nghi vấn lên tướng Mai Hữu Xuân, thành viên trong nhóm lãnh đạo cuộc đảo chánh và là người từng làm việc cho tình báo Pháp, cùng một người nữa là viên sĩ quan nhận lệnh đi bắt ông Diệm. Có một chi tiết mà những báo cáo đều đồng ý là người thực hiện vụ bắn chết ông Diệm và ông Nhu là viên sĩ quan tên Nhung. Ông này là cận vệ thân cận của tướng Minh và là người ủng hộ nhiệt tình tướng Xuân.

Vụ sát hại dã man 2 nhân vật cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn lúc đó khiến Tổng thống Kennedy bị sốc mạnh. Ông hạ lệnh cho Giám đốc CIA McCone là hãy lập tức lo bảo vệ sinh mạng cho những đứa con của ông Nhu cùng bà cố vấn Ngô Đình Nhu, lúc đó đang đi thăm u châu. Tướng Đôn báo cho McCone là ông bảo đảm an toàn cho những đứa trẻ, nhưng cần Mỹ giúp phương tiện đưa chúng ra hải ngoại. Đại sứ Cabot Lodge đã phái viên phụ tá là Flott đích thân cùng một y tá, tháp tùng những đứa con của ông Nhu đi Rome. Tại phi trường Tân Sơn Nhất, Conein chỉ thị cho viên phi công là trực chỉ Bangkok mà không được nghe lệnh của một ai khác để thay đổi không trình. Những đứa trẻ đã được giao tận tay cho Ngô Đình Thục tại Rome.

Lê Đình Bì

* Tổng hợp từ hồ sơ CIA and The House of Ngo (CIA và Triều đại nhà Ngô) của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.