Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra ngày 27-28.2 tại Hà Nội, việc phá hủy Trung tâm Nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên được coi là một trong những nội dung chính sẽ được bàn bạc và là bước đầu tiên tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, theo website chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên 38 North.
Nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía bắc, Yongbyon mang một ý nghĩa biểu tượng cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Được xây dựng vào năm 1979, các lò phản ứng và cơ sở nghiên cứu tại Yongbyon được cho là đã sản xuất ra nguyên liệu phân hạch cho cả 6 lần thử hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2006-2017.
|
Trong tuyên bố chung Bình Nhưỡng được đưa ra sau cuộc họp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9.2018, phía Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có những biện pháp tương xứng. Giới chuyên gia nhận định rằng Triều Tiên vẫn sở hữu kho vũ khí hạt nhân và có thể sản xuất đủ uranium để chế tạo 6 quả bom hạt nhân mỗi năm tại một cơ sở bí mật khác dù cho cơ sở Yongbyon bị đóng cửa.
Tuy nhiên, chuyên gia Siegfried Hecker, người từng là thành viên của đoàn thanh sát quốc tế tại một cơ sở làm giàu uranium ở Yongbyon hồi năm 2010, đánh giá việc đóng cửa và phá hủy cơ sở này là thành công lớn vì sẽ chấm dứt việc sản xuất plutonium cũng như tritium, đồng vị phóng xạ của hydro giúp thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.
|
Bên cạnh đó, đây cũng sẽ được coi là thành công rõ ràng đầu tiên của Tổng thống Trump trong việc giảm thiểu năng lực hạt nhân của Triều Tiên kể từ lần gặp ở Singapore hồi tháng 6.2018, theo Bloomberg. Ngoài ra, việc phá hủy cơ sở Yongbyon sẽ xây dựng lòng tin giữa Washington và Bình Nhưỡng, thúc đẩy những sự nhượng bộ lớn hơn từ cả hai phía.
Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun hồi tháng 1 cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã cam kết phá hủy những cơ sở làm giàu uranium khác ngoài Yongbyon trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức Hàn Quốc.
Một số ý kiến dè dặt cho rằng việc chỉ đóng cơ sở Yongbyon là chưa thỏa mãn yêu cầu về việc phi hạt nhân hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng mà giới chức Mỹ đã đưa ra. Tuy nhiên, quan điểm này dường như đã được thay đổi trong thời gian gần đây.
Trả lời phóng viên tại Nhà Trắng ngày 19.2, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh “không gấp rút” trong việc giải giới hạt nhân vì hiện tại Triều Tiên không thử hạt nhân hay phóng thử tên lửa đạn đạo, đồng thời các lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng vẫn giữ nguyên, theo Yonhap.
|
Để đổi lại việc phá hủy Yongbyon, Chủ tịch Kim được cho là sẽ yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Nước này từng 2 lần đồng ý hoãn các hoạt động tại Yongbyon và cho phép thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra cơ sở này vào thập niên 1990 và 2000.
Tuy nhiên, cả hai lần đều bị đổ bể giữa chừng vì bất đồng trong việc thực thi thỏa thuận. Do đó, giới quan sát đang kỳ vọng cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo tại Hà Nội sẽ đảm bảo việc đóng cửa Yongbyon là hành động toàn diện và không thể đảo ngược, tránh lặp lại sai lầm của quá khứ.
Bình luận (0)