COVID-19 chuyển biến phức tạp, chuyên gia cảnh báo thế giới đứng trước ngưỡng đại dịch

25/02/2020 10:20 GMT+7

Thế giới đang nhanh chóng tiến đến một ngưỡng nguy hiểm khi bệnh dịch COVID-19 đang phát triển nhanh hơn nỗ lực kiềm chế nó, một số chuyên gia cảnh báo.

Một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus Corona đang chạy đua tìm cách khống chế diễn tiến dịch bệnh, hai ngày sau khi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus thúc giục cộng đồng thế giới nhanh chóng hành động trước khi “cánh cửa cho cơ hội” chống dịch COVID-19 hoàn toàn khép lại.
Với gần 78.000 trường hợp nhiễm virus Corona (tính đến ngày 24.2) ở nhiều nước trên toàn cầu, và số ca nhiễm tăng vọt ở Iran, Ý và Hàn Quốc, nhiều chuyên gia cảnh báo tình hình sẽ nhanh chóng chạm đến ngưỡng nghiêm trọng.

Số ca tử vong tại Trung Quốc giảm mạnh, lo lắng nguy cơ đại dịch tăng lên

Khi số người nhiễm trên toàn cầu đang tăng lên, một số cụm lây lan virus Corona lại không cho thấy có liên hệ rõ rệt đến Trung Quốc, khiến giới chuyên gia phải đau đầu tìm hiểu đâu là đầu mối lây lan.
Giáo sư y khoa Paul Hunter tại Đại học East Anglia, với nhiều hiểu biết về lây nhiễm virus Corona chủng mới, tán thành cảnh báo của ông Tedros và cho rằng thời gian để cô lập bệnh đang cạn dần.
“Điểm ngưỡng, mà vượt qua đó chúng ta không còn đủ năng lực ngăn ngừa một đại dịch toàn cầu, đã đến gần hơn sau 24 giờ qua”.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

AFP/Getty

Chuyên gia WHO đến Ý, ổ dịch lớn nhất ở châu Âu

Một đội ngũ các chuyên gia y tế của WHO và Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu đã đến Ý, quốc gia đang diễn ra đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất châu lục.
Số ca nhiễm virus Corona ở nước này (tính đến ngày 24.2) là 229 trường hợp, trong đó 7 người thiệt mạng, tăng chóng mặt sau 3 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên ở Lombardy.

Cảnh sát canh gác bên ngoài bệnh viện đang chữa bệnh nhân nhiễm virus Corona ở Schiavonia

AFP/Getty

Đoàn WHO sẽ “hỗ trợ giới chức Ý tìm hiểu tình hình”, theo tuyên bố của WHO. Trọng tâm của nhiệm vụ sẽ tập trung vào nỗ lực “giới hạn các ca lây nhiễm từ người sang người”.
WHO bày tỏ sự lo lắng trước tốc độ gia tăng “nhanh chóng” các ca lây nhiễm ở Ý, và dựa trên những dữ liệu hiện có, đa số trường hợp (4 trong 5 người) đều bộc lộ triệu chứng nhẹ hoặc không xuất hiện triệu chứng.
Trong thông tin có liên quan, Ủy ban châu Âu hôm 24.2 cam kết đóng góp 124 triệu USD cho kế hoạch đối phó dịch COVID-19 của WHO. Đây là khoản tiền lớn nhất mà WHO nhận được kể từ khi dịch bùng phát đến nay.

Mỹ - Hàn giảm quy mô tập trận

Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đang cân nhắc giảm bớt quy mô các cuộc diễn tập chung do quan ngại tăng cao về tình hình dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, theo Reuters dẫn lời hai bộ trưởng quốc phòng Hàn – Mỹ hôm 24.2 (giờ Washington D.C).

Lo Covid-19, Hàn Quốc ngừng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự trong 2 tuần

“Tôi chắc rằng chúng tôi sẽ vẫn duy trì tình trạng cảnh giác đầy đủ để cùng đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Hàn Quốc ở Lầu Năm Góc.
Ông Esper cũng cho biết Mỹ không lên kế hoạch tái triển khai hệ thống phòng không THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Tính đến cuối ngày 24.2, tổng cộng có 13 quân nhân Hàn nhiễm virus Corona, 7.500 quân nhân bị cách ly. Một người thân của lính Mỹ thuộc Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đã được xác nhận nhiễm dịch, theo báo The Korea Hereald.

Xịt khử trùng bên ngoài một doanh trại ở Daegu

Chụp từ Yonhap

Trong một diễn biến liên quan, hơn 550.000 người Hàn Quốc đã ký vào thỉnh nguyện thư yêu cầu dùng vũ lực giải tán giáo phái Tân Thiên Địa, sau khi một nhà thờ của giáo phái này được xác nhận là ổ dịch COVID-19 phát tán virus Corona khắp cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.